Công ty Long Sơn ngang nhiên phá hủy cây trồng của người dân trên diện tích đất không thuộc dự án; nhiều sở - ngành sai phạm khi cho thuê đất, thuê rừng
Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ra kết luận thanh tra (KLTT) toàn diện việc cho thuê đất và giải quyết các tranh chấp đất đai giữa Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) với người dân.
Mất trắng hàng trăm hecta rừng
Theo KLTT, tháng 1-2011, UBND tỉnh Đắk Nông mới có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Long Sơn. Tuy nhiên, trước đó, tháng 2-2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định cho Công ty Long Sơn thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Đến thời điểm thanh tra, rừng đã bị mất 100%, trong đó mất rừng từ trước tháng 10-2008 là 319 ha, 183 ha mất từ tháng 11-2008 đến tháng 10-2013.
|
Đất trồng cây của người dân bị người của Công ty Long Sơn ngang nhiên san ủi. Ảnh: Cao Nguyên |
Cũng theo KLTT, Công ty Long Sơn đã lập dự án không chính xác về năng lực điều hành, tổ chức lao động, tài chính. Cụ thể, không có cán bộ kỹ thuật, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; lập dự án tổng mức đầu tư không đúng với thực tế tài chính công ty; thiếu năng lực, trách nhiệm trong triển khai dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Khi thực hiện dự án, công ty để mất 183 ha rừng còn lại, sử dụng diện tích 231/265 ha đất bị hủy hoại sai quy hoạch được phê duyệt, xây dựng cơ sở vật chất trên đất rừng.
Tháng 4-2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thu hồi của Công ty Long Sơn 825 ha (sau đó điều chỉnh diện tích thu hồi là 751 ha). Công ty Long Sơn tự ý tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng không đúng chức năng, không đúng thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án với diện tích đã thu hồi dẫn đến xung đột với người dân, đỉnh điểm là vụ bắn chết người vào ngày 23-10-2016. Những sai phạm của Công ty Long Sơn là nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Thành (năm 2007 đến tháng 10-2013), bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (từ tháng 11-2013 đến nay).
Nhiều sở, ngành, huyện, xã mắc sai phạm
KLTT cũng chỉ rõ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn lập dự án, mặc dù xác định người dân lấn chiếm đất, đang canh tác nhưng chủ trương thỏa thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp (DN) với người dân về việc hỗ trợ để người dân trả lại đất chưa cụ thể, chưa có ràng buộc trách nhiệm về mức hỗ trợ. Dự án lập với diện tích trên 1.000 ha trong khi nguồn lực tài chính, công cụ phương tiện thực hiện dự án không khả thi, sở vẫn ban hành thẩm định dự án. Sau khi bàn giao đất, rừng ngoài thực địa có sự thay đổi, sở không có biện pháp xử lý, rừng bị mất nhưng không tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đến cùng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để bảo vệ rừng.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất, thuê rừng chưa chặt chẽ. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cho DN thuê đất, thuê rừng khi chưa giải quyết dứt điểm diện tích bị lấn chiếm. Khi có quyết định cho thuê đất đến khi ký hợp đồng cho thuê đất, hiện trạng sử dụng đất có nhiều biến động nhưng không kiểm tra, theo dõi để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh diện tích cho thuê.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá năng lực tài chính của DN còn chủ quan, DN không bảo đảm năng lực tài chính vẫn kết luận đủ năng lực, đề nghị tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau đó, DN không có khả năng thực hiện dự án cũng không kiến nghị thu hồi.
Riêng Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cho DN thuê đất có nội dung yêu cầu DN "thỏa thuận, hỗ trợ bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất và chỉ được sử dụng diện tích đất để sử dụng dự án trên khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ" nhằm tránh thiệt hại cho người dân có đất lấn chiếm, sang nhượng trái phép nhưng thiếu chặt chẽ, gây ngộ nhận cho người dân yêu cầu bồi thường như chủ sử dụng đất hợp pháp.
Ngoài ra, KLTT cũng chỉ ra các sai phạm của UBND xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), UBND xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp) và UBND huyện Tuy Đức...
Đề nghị khởi tố vụ án Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị yêu cầu Công ty Long Sơn bồi thường thiệt hại đối với diện tích rừng bị mất. Kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Đối với hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, sử dụng đất rừng trồng cao su, tiêu, cây ăn trái sai mục đích trên diện tích rừng bị hủy hoại 231 ha có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về sử dụng đất đai, đề nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông để khởi tố, điều tra các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của Công ty Long Sơn. Trước đó như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 23-10-2016, hơn 30 cán bộ, bảo vệ của Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân. Lúc này, ông Đặng Văn Hiến cùng ông Ninh Viết Bình dùng súng bắn nhiều phát về nhóm người của Công ty Long Sơn làm 3 người chết, 13 người bị thương. Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Hiến tử hình. Hiến làm đơn kính gửi Chủ tịch nước "kêu cứu". Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình và báo cáo Chủ tịch nước. |
Cao Nguyên (NLĐ)