(GLO)- Vốn tính tình hiền lành nhưng mấy tháng gần đây, cậu con trai lớn hiện đang học lớp 9 của chị Nguyễn Thị Thanh Vân (tổ 6, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bắt đầu có những biểu hiện khác lạ như hay nổi cáu với em vô cớ, buồn vui thất thường, lầm lì và trở nên khó bảo.
Khi trẻ chỉ thích… “nổi loạn”
“Khi bố mẹ góp ý không những cháu không nghe mà thường khó chịu. Vợ chồng tôi hiểu rằng cháu đang trong giai đoạn dậy thì-chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn nên những thay đổi trên là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đang yên đang lành cháu bỗng nhiên “nổi loạn” cũng khiến vợ chồng tôi bối rối”-chị Vân tâm sự.
Ảnh: N.N |
Cũng chung hoàn cảnh, cô con gái đang học lớp 10 của anh Thành (một công chức tại TP. Pleiku) bỗng dưng chểnh mảng học hành, đua đòi làm đẹp và có chiều hướng “nổi loạn”. “Lần đó vì tức giận cháu bỏ học đi chơi nên tôi lỡ tay tát cháu vậy mà tối đó nó đi luôn không về. Hai vợ chồng hốt hoảng đi kiếm khắp nơi và may mắn tìm thấy cháu đang ngồi thẫn thờ ở Công viên Diên Hồng. Sau lần đó, tôi không dám đánh cháu nữa vì rủi cháu làm điều dại dột thì mình ân hận cả đời. Nhưng lo lắm, vì không biết bao giờ cái sự “nổi loạn” kia mới hết”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con cái khi con bước vào tuổi dậy thì, chị Từ Thị Phi Vân-Phó Hiệu trưởng một trường THCS tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là giáo viên nên cũng hết sức tâm lý. Biết là giai đoạn này ở mỗi trẻ mỗi khác nhưng nhìn chung là thích khẳng định mình, thích làm những cái khác người và thích “nổi loạn”. Giai đoạn này muốn hướng trẻ theo ý mình không phải là chuyện đơn giản mà có khi ngược lại mình phải theo ý chúng. Vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của con, quan tâm cháu nhiều hơn, luôn lắng nghe và chia sẻ, đồng thời từ những kinh nghiệm mình đã trải qua mà có sự góp ý chân tình, thẳng thắn. Nhờ vậy, dù giai đoạn này có nhiều thay đổi rõ rệt nhưng con trai tôi cũng vượt qua một cách thuận lợi, không có gì biến động nhiều”.
Gia đình cần là điểm tựa
Thiếu sự quan tâm của gia đình và bị sự tác động từ nhiều phía, rất nhiều trẻ trải qua giai đoạn dậy thì một cách khó khăn, bùng nổ về nhân cách và thậm chí có những hành vi lạ và nếu không kịp thời có sự điều chỉnh, uốn nắn thì trẻ sẽ dễ nảy sinh nhiều ý nghĩ lệch lạc, hình thành nhân cách xấu. Nếu cha mẹ không tâm lý, không thông cảm mà cứ nhất thiết bắt trẻ phải làm theo ý mình hoặc có những hành vi bạo lực, đánh đập trẻ thì càng nguy hiểm hơn vì trẻ sẽ càng cứng đầu, khó bảo, thậm chí có thể làm điều dại dột như bỏ nhà đi bụi…
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-chuyên khoa I, Trưởng khoa Điều trị Nam-Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai cho biết: “Giai đoạn dậy thì là một trong những giai đoạn quan trọng, bước chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Vào giai đoạn này, nội tiết tố có sự thay đổi và trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý và rất dễ bị tác động về mặt cảm xúc, nhạy cảm với nhiều vấn đề xung quanh, thậm chí có những hành vi kỳ lạ… Đây cũng là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách cũng như bùng nổ về nhân cách. Nếu tiếp xúc với môi trường tốt, cách giáo dục tốt và có sự quan tâm từ nhiều phía sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt cho trẻ và ngược lại…”.
Theo bác sĩ Thanh, giai đoạn này, cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường nhưng gia đình chính là điểm tựa vững vàng nhất giúp trẻ vượt qua những khó khăn phía trước. Các bậc phụ huynh cần có sự chăm lo cho trẻ nhất là về mặt tinh thần, cần có sự quan tâm theo dõi, kịp thời nắm bắt tâm lý trẻ cũng như theo sát những diễn biến tâm lý, hành vi của trẻ kịp thời uốn nắn và có sự điều chỉnh thích hợp. Nếu cần thiết có thể cho trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được tư vấn, hướng dẫn.
Như Nguyện