"Điểm tựa" của làng Po

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm với người dân, già làng Rơ Mah Thế (làng Po, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai) còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nhiều năm qua, ông luôn là “điểm tựa” vững chắc của người dân làng Po.
Làng Po hiện có 60 hộ dân, trong đó 50 hộ là người Jrai. Thu nhập của người dân trong làng chủ yếu từ trồng điều và làm công nhân khai thác mủ cao su cho Công ty 74 (Binh đoàn 15). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do giá mủ cao su xuống thấp, năng suất và giá hạt điều lại bấp bênh nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện làng còn 22 hộ nghèo, đa phần là các hộ thiếu đất sản xuất, đau ốm, người già neo đơn... Chính vì vậy, hàng tháng, trong các cuộc họp làng, ông đều tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, tận dụng nguồn đất đai sẵn có để trồng trọt, chăn nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống. Ông cũng thường xuyên động viên thanh niên không tụ tập uống rượu, gây mất an ninh trật tự; công nhân phải quản lý, bảo vệ vườn cây; các gia đình phải chăm lo lao động, vươn lên xóa đói giảm nghèo, quan tâm, nhắc nhở con em đến trường; tích cực chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới...
 Ông Rơ Mah Thế tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan gùi. Ảnh: P.D
Ông Rơ Mah Thế tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan gùi. Ảnh: P.D
Hàng ngày, ông còn dành thời gian nắm bắt tình hình sản xuất của bà con; trực tiếp đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn họ cách trồng trọt, chăn nuôi. Ông cũng dành thời gian ghé Đội Công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Chía để trao đổi tình hình với cán bộ phụ trách làng. Trung úy Ngô Văn Hữu-nhân viên Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Chía-cho biết: Mỗi khi trong làng có việc, ông Thế đều thông tin với Đội Công tác địa bàn để phối hợp giải quyết. Chính nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm cộng với tài ăn nói khéo léo của ông mà tình hình an ninh trật tự của làng những năm qua luôn ổn định; người dân yên tâm lao động sản xuất, nêu cao tinh thần cảnh giác.
Không chỉ nhiệt tình và khéo léo, già làng Rơ Mah Thế còn là tấm gương trong lao động sản xuất để bà con học tập. Dù đã bước sang tuổi 63 song ông vẫn tích cực sản xuất. Hiện tại, gia đình ông có 2 ha điều, 3 sào cà phê, 4 sào cao su và 5 con trâu, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, ông còn giúp đỡ hộ gia đình bà Rơ Mah Chớp (hộ nghèo, không có đất sản xuất) bằng cách cho mượn đất dựng nhà và cưu mang lúc ốm đau.
Nhận xét về già làng Rơ Mah Thế, Chủ tịch UBND xã Ia Chía-Kpă Gian khẳng định: “Từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đến tham gia giải quyết các vấn đề tại làng, tiếng nói của ông Thế đều đóng vai trò quan trọng”.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null