Dịch vụ môi trường rừng tại Gia Lai: Cơ sở công nghiệp không đứng ngoài cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài nguồn thu chính từ các cơ sở thủy điện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đang tích cực mở rộng nguồn thu thông qua việc ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn có sử dụng nước phục vụ sản xuất.
Trên cơ sở Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai ban hành quy định thực hiện thu tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND phê duyệt danh mục, hình thức, mức chi trả, thời gian chi trả tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.N
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.N
Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho biết: Theo quyết định này, từ ngày 1-1-2020, các cơ sở sản xuất trên có trách nhiệm chi trả tiền DVMTR với mức 50 đồng/m3 nước. Khối lượng nước được tính theo đồng hồ đo hoặc theo lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; theo chứng từ mua nước giữa cơ sở sản xuất công nghiệp với đơn vị kinh doanh nước. Theo ông Hạnh, tổng diện tích rừng của tỉnh vào khoảng 597.187 ha, trong đó có 487.177 ha trong lưu vực cung ứng dịch vụ. Nguồn thu tiền DVMTR của các cơ sở sản xuất công nghiệp được chia bình quân cho diện tích rừng trong lưu vực mà nó cung ứng. Đơn cử, một công ty nộp 13,5 triệu đồng thì được tính trên phần diện tích rừng cung ứng là 12.200 ha, với mức chi trả là 1.107 đồng/ha/năm. Tổng nguồn thu dự kiến đối với 17 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phục vụ sản xuất ước khoảng 400 triệu đồng/năm và được chi trả cho chủ rừng để chi cho các hoạt động, công tác liên quan đến bảo vệ rừng trong lưu vực cung ứng.
Căn cứ theo những quy định trên, ngày 29-11, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiến hành tổ chức ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 17 cơ sở sản xuất công nghiệp. Tại hội nghị này, đại diện các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn một số băn khoăn cần giải đáp về chính sách, trách nhiệm chi trả DVMTR. Bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho rằng: Công ty khi sử dụng nước đã nộp thuế tài nguyên nước và nộp phí khai thác nước mạch, phí bảo vệ môi trường, giờ nộp thêm khoản DVMTR thì có phải thuế chồng thuế, phí chồng phí hay không? Hơn nữa, tuy chỉ nộp vài chục triệu đồng mỗi năm và được hạch toán vào chi phí sản xuất nhưng doanh nghiệp còn có nhiều khoản chi phí khác, vì vậy con số này không hề nhỏ, nhất là trong tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Nga-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah-cho hay: “Đây là khoản thu bắt buộc, là quy định chung trong cả nước, doanh nghiệp sẽ chấp hành thực hiện. Dù đang là thời điểm kinh tế khó khăn, chi phí hoạt động không giảm trong khi giá mủ cao su xuống thấp, nhưng với mức đóng bình quân chỉ từ 5 triệu đồng/năm trở xuống thì cũng không đáng lo”. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì nêu vấn đề: “Năm 2020, đơn vị có phương án xây dựng nhà máy xử lý nước thải để tái sử dụng nguồn nước sau khi xả thải thì có phải tính thêm khoản tiền DVMTR lần nữa hay không?”.
Trước những thắc mắc này, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giải đáp những nội dung liên quan đến các quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về chính sách, trách nhiệm chi trả DVMTR của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đồng thời, trao đổi, thảo luận, làm rõ từng vấn đề trước khi tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các đơn vị. Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Hiện tổng số thu DVMTR đối với 51 đơn vị thủy điện và 21 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh vào khoảng trên 100 tỷ đồng; trong đó các nhà máy thủy điện có đóng góp gần như tuyệt đối, riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch nộp khoảng 600 triệu đồng/năm. “Theo quy định mới, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phục vụ sản xuất phải có trách nhiệm kê khai và phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR. Vì vậy mong các cơ sở đồng thuận cao trong thực thi chính sách, ký kết hợp đồng ủy thác với Quỹ để thực hiện ngay từ đầu năm 2020”-ông Hạnh nói.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.