(GLO)- “Vì đó là em”, “Tro tàn trong gió”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Săn chồng”, “Trời sinh quyến rũ”…-Đó là những tác phẩm văn học dịch đã khiến Rubi Thúy trở thành cái tên dịch giả được bạn đọc say mê dòng văn học lãng mạn phương Tây yêu thích. Khá bất ngờ khi biết rằng nữ dịch giả này lại từng là dân… chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
Hiện Nguyễn Ngọc Thúy là nhân viên Phòng Thanh toán quốc tế-Ngân hàng Vietcombank-Chi nhánh Hà Nội. Tuy có trên 10 tác phẩm dịch đã xuất bản và cũng gần chừng ấy tác phẩm đang chờ ra mắt bạn đọc, nhưng khi nói về việc dịch thuật, chị vẫn từ tốn chia sẻ: “Thời gian không nhiều, cũng chỉ là làm tay trái và vì đam mê là chính chứ chưa phải làm nghề một cách chuyên nghiệp”.
Nghề tay trái…
Ảnh: Phương Duyên |
Có vẻ như chẳng có mối liên hệ nào giữa công việc của một nhân viên ngân hàng với một dịch giả, nhiều người nghĩ vậy. Song, như Nguyễn Ngọc Thúy bộc bạch thì: “Điểm môn Văn của mình hồi xưa cũng không tệ lắm. Khi theo học tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, mình cũng bị rèn tiếng Anh nhiều lắm, nhờ đó cũng khá dần lên”. Cùng với niềm yêu thích đối với văn học lãng mạn, nhất là văn học phương Tây, năm 2008 chị bắt đầu thử sức bằng việc tham gia một diễn đàn dịch online (dịch phi lợi nhuận).
Ngọc Thúy chia sẻ: “Ban đầu chỉ lang thang các diễn đàn thảo luận về các cuốn/bộ truyện. Hồi ấy bộ “Twilight” (Chạng vạng) đang nổi đình đám. Mặc dù mình không thích bộ đó lắm nhưng mà cũng chính nhờ nó mà biết đến mấy diễn đàn đọc truyện”. Sau đó chị bắt đầu tập đọc truyện bằng tiếng Anh; đọc một thời gian thì thấy những người cùng tham gia diễn đàn cũng rất muốn đọc nhưng lại không thể đọc bằng tiếng Anh nên mới tập tọe dịch thử. Cứ thế, niềm đam mê từ con số đến con chữ diễn ra hết sức tự nhiên. Sau đó khoảng 2 năm thì Thúy chính thức cộng tác với các nhà xuất bản (NXB) trong nước.
Vì đã trót yêu thích dòng văn học lãng mạn phương Tây nên các tác phẩm thuộc thể loại này được Thúy chọn dịch khá nhiều. Tác phẩm dịch đầu tiên ra mắt độc giả là cuốn “Vì đó là em” (Tác giả: Susan Elizabeth Phillips-Nhã Nam phối hợp NXB Hội Nhà văn xuất bản). Các tác phẩm tiếp theo của Rubi Thúy-dịch giả mới qua tuổi 30-cũng gây được sự chú ý của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, như: “Trời sinh quyến rũ”, “Núi tình”, “Tro tàn trong gió”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Điều bí mật”… Tất cả đều do những NXB uy tín trong nước và các công ty truyền thông có tiếng trong giới làm sách như Nhã Nam, Bách Việt, Thái Uyên… phối hợp xuất bản.
…Và một đam mê
“Họ rất tài, đọc tác phẩm không có cảm giác đó là văn học dịch mà như là tác phẩm do chính họ sáng tác”-đó là điều mà Ngọc Thúy hết sức thán phục khi nói về những dịch giả mà chị hâm mộ như Dương Tường, Lý Lan… Theo chị, hạn chế của nhiều dịch giả hiện nay là bị phụ thuộc quá nhiều vào bản gốc khiến tác phẩm chưa thật sự thuần Việt về văn phong, câu chữ. Do đó, khi bước vào giới dịch thuật, chị đã phải đọc và học hỏi rất nhiều từ những người đi trước.
Ngoài ra, theo Thúy, người theo đuổi công việc dịch thuật còn phải có rất nhiều tố chất như ngoại ngữ (viết) tốt, tiếng Việt tốt, thêm nữa là phải có kiến thức về vấn đề mà tác phẩm đề cập đến. Ngọc Thúy dẫn chứng: Để dịch cuốn “Vì đó là em”, chị phải đọc đủ các thể loại tài liệu về bóng bầu dục Mỹ vì môn này không có ở Việt Nam; hay để dịch bộ truyện dài hơn 1.000 trang “Tro tàn trong gió”, chị phải tìm hiểu và đọc về nội chiến Mỹ “mệt nghỉ”, mất hơn 6 tháng mới dịch xong. Càng khổ công hơn khi dịch văn học kỳ ảo, vì tác phẩm có nhiều khái niệm do tác giả tự sáng tạo ra; do đó, nếu trong ngôn ngữ tiếng Việt chưa có thì người dịch cũng phải… sáng tạo nốt (dĩ nhiên là dựa trên bản gốc). Tuy nhiên, theo Ngọc Thúy thì điều này cũng đem đến nhiều thú vị, “vì để dịch được một cuốn sách, mình lại được đọc, được biết thêm nhiều thứ khác”.
Phương Duyên