(GLO)- Đây là đánh giá của các chuyên gia được Bộ Y tế chi viện hỗ trợ Gia Lai phòng-chống dịch Covid-19 tại cuộc họp tối 6-2 với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh.
Cuộc họp có dự tham dự của đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh và đoàn công tác TP. Đà Nẵng.
Về phía tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Quang cảnh cuộc họp tối 6-2 giữa Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai và đại diện các đoàn công tác Bộ Y tế chi viện hỗ trợ tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời của các địa phương, đơn vị đối với Gia Lai. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo tỉnh cùng đại diện các đoàn đã trao đổi phương án thành lập bệnh viện dã chiến, giải pháp triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng; nghe chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác cách ly tập trung, truy vết cộng đồng, xử lý rác thải trong khu cách ly tập trung cũng như khu điều trị qua đợt chống dịch tại Đà Nẵng.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Về bản đồ phân bố dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gồm các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Đối với TP. Pleiku, sau thời gian phong tỏa tại 2 tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Tây Sơn) và đường Hoàng Sa (phường Ia Kring) do liên quan đến bệnh nhân 1892, đến sáng 6-2 đã gỡ bỏ phong tỏa. Tất cả mẫu xét nghiệm của người dân tại 2 tuyến đường này đều âm tính với SARS-CoV-2. Qua đánh giá của các chuyên gia, TP. Pleiku không có lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 19 giờ ngày 6-2, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 ở phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, là F1 trước đây đã được cách ly tập trung theo quy định nên khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Như vậy, đến ngày 6-2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2, đều chưa có triệu chứng lâm sàng; 7 ca F0 xét nghiệm lại lần 2 vẫn dương tính. Số ca dương tính mới ghi nhận nằm trong vùng dịch đã được khoanh vùng từ đầu và cách ly theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tặng quà cảm ơn các đoàn công tác đã hỗ trợ Gia Lai trong phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện |
Từ ngày 6-2 bắt đầu mở rộng xét nghiệm, lấy mẫu toàn bộ người dân phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) và 4 xã tại huyện Ia Pa; lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các lực lượng tham gia chống dịch tại 4 huyện, thị xã, tiến tới mở rộng xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh, nhân viên tại Cảng Hàng không Pleiku. Theo đánh giá của các chuyên gia cố vấn và trực tiếp tham gia chống dịch, Gia Lai đã có những biện pháp kịp thời trong chống dịch, bước đầu đã khoanh vùng, kiểm soát, khống chế được dịch.
Để tiến tới khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị đoàn Đà Nẵng hỗ trợ về công nghệ thông tin trong truy vết và trả lời kết quả xét nghiệm một cách nhanh nhất. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục hỗ trợ tỉnh tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Gia Lai sớm đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến.
Đối với đơn vị quân đội, sau khi toàn bộ lực lượng công dân từ Campuchia hoàn thành cách ly phải tiến hành khử khuẩn làm sạch để đón những người cách ly mới vào; tiếp tục rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người đang thực hiện cách ly để có sự động viên, hỗ trợ kịp thời, nhất là trong dịp Tết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các đơn vị trong việc bố trí phân công công việc để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng tham gia chống dịch.
NHƯ NGUYỆN