(GLO)- Cách đây 73 năm, dưới gốc xoài cổ thụ bên dòng suối Ia Rnho (buôn Ma Hinh, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa), chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Cheo Reo được thành lập, là tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa ngày nay. Từ đây, nhân dân các dân tộc trong huyện đã vững bước tiến theo ngọn cờ của Đảng liên tiếp giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hạt nhân chính trị lãnh đạo phong trào cách mạng
Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Cheo Reo (còn gọi là chi bộ Tham chính) được thành lập vào ngày 10-8-1947 tại buôn Ma Hinh, xã Đất Bằng với 3 đảng viên gồm các đồng chí: Ksor Ní (sau này là Bí thư Tỉnh ủy), Rơ Chơm Thép (về sau là Phó Bí thư Tỉnh ủy) và Rơ Chơm Buk. Cùng ngày này năm 1948, Ban cán sự Đảng huyện Cheo Reo được thành lập tại buôn Ma Lúa (xã Kà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) gồm 3 đồng chí: Ksor Ní-Bí thư, Ngô Thành-Phó Bí thư và Rơ Chơm Thép. Sau nhiều lần địa giới hành chính huyện được chia tách, sáp nhập, đổi tên, tổ chức Đảng của huyện Cheo Reo cũng lần lượt đổi tên, từ Ban cán sự Đảng Khu 4, Đông Cheo Reo, Ơi Nu, Đất Bằng, Sông Ba, Chư Drăng đến H2, A10 rồi Đảng bộ huyện H2, Ayun Pa và thống nhất là Đảng bộ huyện Krông Pa từ năm 1979 đến nay.
Khu kỷ niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa tại buôn Ma Hinh, xã Đất Bằng đang dần hoàn thiện, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: M.N |
Có tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ trong 2 năm 1948-1949, vùng căn cứ Đất Bằng-Cheo Reo được củng cố, trở thành bàn đạp vững chắc cho phong trào kháng chiến của huyện và tỉnh. Đặc biệt, đến giữa năm 1949, Đảng bộ huyện Cheo Reo đã xây dựng được 3 chi bộ với 70 đảng viên hoạt động trong các cơ quan huyện, đội công tác, lực lượng du kích và ở các xã. Trong thời gian này, phong trào kháng Pháp phát triển rộng khắp, từ vùng căn cứ đến vùng địch tạm chiếm. Cơ quan Đảng, chính quyền được củng cố, phát triển và có những bước trưởng thành qua thực tiễn lãnh đạo phong trào ở địa phương.
Khi nghe chúng tôi hỏi về lịch sử hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, ông Ksor Djứ (Ama Liên, 85 tuổi)-nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Krông Pa-cho hay, thời điểm thành lập chi bộ Đảng thì ông không rõ, chỉ khi tham gia hoạt động cách mạng mới được nghe kể lại. Năm 1962, ông được rút từ chi bộ xã Chư Drăng về làm Bí thư Huyện Đoàn H2 và chính thức tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện H2 khóa I (tháng 2-1962 đến tháng 12-1964). Cựu Bí thư Huyện đoàn H2 cho biết: Ban Chấp hành Huyện Đoàn phân công cán bộ phụ trách từng xã có nhiệm vụ vận động, lôi kéo thanh niên trong vùng địch để phát triển cơ sở chính trị; thông qua các phong trào đấu tranh để phát hiện, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú vào Đảng, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ đó, mở rộng cơ sở Đảng, phát động phong trào kháng chiến trên khắp địa bàn. “Buổi tối không vào được ấp chiến lược thì mình ra rừng nằm chờ sáng, gặp ai đi hái rau, bẻ bắp thì tuyên truyền, vận động. Mình nói nếu đoàn kết thì dù Mỹ có mạnh như thế nào mình cũng đánh được, thắng được”-ông Djứ kể.
Gấp rút thi công Nhà đặt bia kỷ niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Ảnh: M.N |
ự ra đời của chi bộ đầu tiên đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Đảng bộ huyện Krông Pa sau này. Lịch sử Đảng bộ huyện ghi nhận từ năm 1946 đến năm 1975, Đảng bộ huyện H2 đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Đến nay, Đảng bộ huyện đã có 44 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 2.500 đảng viên. Các tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương; đội ngũ đảng viên không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sắt son tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống
Sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa có ý nghĩa hết sức to lớn. Chính vì vậy, huyện đã triển khai dự án xây dựng khu kỷ niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại buôn Ma Hinh. Ông Trần Ngọc Khôi-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện-cho hay: Khu kỷ niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được xây dựng trên diện tích 1,79 ha, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Công trình được khởi công ngày 8-11-2019, đến nay đã thi công đạt 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào ngày 30-6-2020, gồm các hạng mục: nhà đặt bia; nhà trưng bày; hồ sen, cầu kiều, kè đá, cống thoát nước; tường rào và hàng rào kẽm gai; sân bê tông, bó vỉa khuôn viên; di thực, trồng cây bản địa; bãi đỗ xe và khuôn viên cây xanh. “Công trình được thiết kế hài hòa, vừa thể hiện được những giá trị lịch sử cần lưu giữ, vừa có cảnh quan thông thoáng, xanh-sạch-đẹp. Công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng”-ông Khôi cho hay.
Ông Ksor Djứ-nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Krông Pa kể lại quá trình hoạt động khi ông làm Bí thư Huyện đoàn H2. Ảnh: M.N |
Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pa Nguyễn Duy Anh: Đây là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Dự kiến khi đưa vào khai thác sử dụng, công trình sẽ góp phần tạo cảnh quan, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của nhân dân khi đến với một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh Gia Lai, Đak Lak. Đồng thời, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi giáo dục truyền thống hào hùng của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. “Mặt trận và các đoàn thể chính trị địa phương chủ động tuyên truyền những giá trị lịch sử quý báu của nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Nơi đây sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tạo niềm tin, lý tưởng soi sáng để thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Theo ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng: Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trên địa bàn phối hợp tổ chức tốt hoạt động về nguồn, hội trại để đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. “Thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội, đoàn viên, thanh niên, hội viên nắm rõ hơn về ý nghĩa lịch sử vùng đất này, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương đất nước”-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng cho biết.
MINH NGUYỄN