Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 4: Nhớ tiếng chày giã bàng của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bập bùng... Bập bùng... Bập bùng... Đã xa vắng rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi tiếng chày giã bàng của mẹ hòa cùng tiếng gà gáy te te khi mặt trời còn chưa mọc.
Hai bàn tay khéo léo của người phụ nữ đương bàng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Hai bàn tay khéo léo của người phụ nữ đương bàng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Ngày đó để cỏ bàng thành manh chiếu nằm, cuộn nốp ngủ khi đi mần xa nhà, hay cái cặp sách, cái nón của sắp nhỏ đi học, các bà các cô phải thức khuya dậy sớm, hết giã dập rồi lại còng lưng đương (đan) lát...
Từ cỏ dại thành chiếu ngủ
Bây giờ nhiều nơi không còn cỏ hoang này nữa, nhưng từ lâu cây bàng phủ khắp miệt bưng biền châu thổ đã được bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của phụ nữ biến thành nhiều sản phẩm bình dân phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Giữa tháng 2, miền Tây nắng hanh vàng, tôi tìm về thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để được sống lại nghề đương bàng của bao người dân nơi đây. 
Dừng chân ở khóm Núi Nước - "thủ phủ" nghề đương bàng miền biên viễn, tôi tình cờ được gặp bà cụ Trần Thị Bé (80 tuổi), người đã có cả đời gắn bó với cọng cỏ mềm bưng biền này.
"Nghề đương bàng ở đây đã có từ bận tui mới chập chững biết đi, biết nhớ, còn có từ khi nào thì tui thiệt bụng hổng biết, chắc đời bà cố bà sơ đã mần rồi. 
Nghề truyền đời này sang đời khác. Hồi đó dân miệt này nghèo xơ xác, phụ nữ chủ yếu có mỗi cái việc đương bàng kiếm cơm thôi. Hầu như nhà nào cũng có vài bà vài cô đương bàng" - bà Bé bồi hồi nhớ lại.
Theo các bậc cao niên, ngày xưa vùng này nhiễm phèn nặng nên cỏ bàng mọc dại khắp nơi và nguồn nguyên liệu đương lát tưởng chừng không bao giờ cạn. Không như bây giờ, mang tiếng là xóm đương bàng nhưng lại phải mua cỏ bàng từ Kiên Giang về mần. 
"Bận đó, chỉ cần đi cách nhà vài cây số hoặc có khi vài trăm mét là lạc vô bưng cỏ bàng. Cái đám cỏ hoang này nhiều đến nỗi đi đâu cũng đụng" - bà Bé tâm sự.
Trong ký ức của những người như bà Bé, thời thanh xuân của họ, nghề đan bàng rộn khắp đầu trên xóm dưới. Gà còn chưa kịp cất tiếng gáy đầu tiên thì thanh niên trong xóm đã rủ nhau đi nhổ, đi cắt cỏ bàng. 
"Nhổ cỏ bàng ngày đó vui lắm, chộn rộn cả một vùng. Nhổ cỏ bàng nói thì dễ chứ quen tay mới làm được. Không phải cứ mần sức, phải biết kết hợp sức khỏe và khéo léo để cây bàng nhổ lên không bị đứt ngang thân, giập nát" - bà Bé chia sẻ.
Cỏ bàng sau khi nhổ về được phơi vài nắng cho khô lại và trở nên mềm dẻo. Tiếp theo, nam nữ có sức khỏe dùng chày gỗ dài hơn thân người giã đều tay vào từng bó bàng để sợi cỏ này dẹp mỏng và mềm dẻo mới đương lát được. 
Công việc chính tiếp theo đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn nên dành cho các bà, các chị. Từ sợi cỏ bàng đã giã giập, người thợ đương lát ngồi còng lưng để làm ra cái đệm bàng, nốp ngủ, giỏ xách, bóp cầm tay, thậm chí cả cái gối, nón đội đầu...
Theo các bậc lão làng, nghề đương bàng ở An Giang từng một thời trải dài từ Lạc Quới, Vĩnh Gia cho đến Nhà Bàng, Núi Tô biên giới... Những năm khó khăn 1980 - 2000, đệm bàng được dùng rộng rãi ở nông thôn vì đặc tính thoáng mát, dễ sử dụng vào những việc khác như phơi lúa, trải ngồi ăn cơm... 
Thời hưng thịnh đó, những xóm đương bàng vùng núi Tri Tôn có hàng trăm hộ theo nghề. Xóm núi chộn rộn tiếng cười nói, tiếng đối đáp trêu ghẹo nhau của những đôi trai gái bên nhau nhổ bàng, giã giập, đương lát...
Rồi theo ghe xuồng thương hồ, các sản phẩm cỏ bàng đi khắp xứ. Phèn nặng, nơi cây lúa khó sống thì nghề đương bàng lại trở thành "nồi cơm" của nhiều gia đình nơi đây. 
Tuy là nghề bưng biền, bán cũng chẳng được mấy đồng, nhưng cũng nhờ đó mà chị em miệt quê có việc mần đều và đồng ra đồng vào.
Bà Nguyễn Thị Gái (70 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc) chia sẻ: "Bận đó xóm nghèo xác, người dân chỉ có mỗi nghề đương bàng nên ai cũng mần. Mà ngộ, lúc đó nhiều người mần mà mần ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, chứ không như bây giờ bán lèo tèo, ế ẩm".
Bà Trần Thị Bé hơn 60 năm đương bàng ở Ba Chúc - Ảnh: T.NHƠN
Bà Trần Thị Bé hơn 60 năm đương bàng ở Ba Chúc - Ảnh: T.NHƠN
Bám nghề và tìm lối đi mới
Thời gian ở bưng biền như nước xuôi dưới xuồng ba lá. Nghề đương bàng ngày nay đã có đổi thay. Máy móc được sử dụng ép cỏ bàng thay sức người giã chày thuở nào. Những nhà khá còn ráng mua máy ép để mần thuê cỏ bàng cho chòm xóm.
Tuy nhiên, cỏ bàng ngày nay lại không còn tràn ngập bưng biền như trước. Mặc dù là xóm đương bàng truyền đời nhưng dân Ba Chúc giờ phải đi mua nguyên liệu nơi xa. Giá mỗi lọn bàng nhỏ cũng tầm 20.000 đồng, lời lãi vì thế giảm nhiều so bận xưa.
Hôm tôi ghé, một chiếc đệm bàng 1,6 x 2m lấy của tay cô gái lành nghề tròm trèm hai ngày công. Giá bán mỗi chiếc 180.000-200.000 đồng. Thu nhập người đương bàng sau khi trừ chi phí chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/ngày. 
Vì vậy, đi dọc xóm nghề nhộn nhịp năm nào, chỉ thấy chủ yếu phụ nữ lớn tuổi ngồi còng lưng bên lọn cỏ bàng. "Đám trẻ không mặn mà, xóm này hầu như chẳng có đứa nào theo nghề đương bàng nữa. Chúng đi mần công nhân ở Long Xuyên, Bình Dương hết trọi" - bà Bé chia sẻ.
Cuộc sống thời hiện đại, các sản phẩm từ cỏ bàng dần được thay thế bằng những sản phẩm bóng bẩy hơn như nhựa, da, vải vóc, nên vắng dần những người cầm giỏ bàng đi chợ, ngả lưng trên chiếu cỏ hoang.
Tuy nhiên, trong bức tranh tối của nghề cũng có vài đốm sáng hi vọng. Ở Ba Chúc, tôi được nghe kể về nghề đương bàng gần đây manh nha tìm được hướng đi mới nhờ sự nhanh nhạy của một cô gái trẻ.
Thương mẹ cả đời nhọc nhằn còng lưng với nghề đương bàng nhưng thiếu trước hụt sau và cũng sợ làng nghề dần mai một, chị Trần Thị Trang (28 tuổi) đã tìm cách giữ nghề. 
Bằng sự nhạy bén của cô gái trẻ, Trang tìm tòi phát triển các sản phẩm như giỏ xách thời trang, ví cầm tay từ nguyên liệu cỏ bàng. Rồi cô đăng lên mạng được nhiều bạn trẻ yêu thích, vài công ty cũng đánh tiếng đặt hàng. 
"Hiện các dòng sản phẩm "thời trang dân dã" mới này cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu, phần nào duy trì được nghề đương cỏ bàng" - chị Trang chia sẻ.
Sản phẩm từ cỏ bàng của Trang đã được một số cửa hàng tại TP.HCM, Cần Thơ lấy bán. Chỉ mới bắt đầu chừng ba năm, nhưng Trang tỏ ra đầy tự tin: "Khách nước ngoài rất thích các sản phẩm túi xách từ cỏ bàng bởi thân thiện với môi trường và khéo tay, đẹp mắt. 
Hi vọng thời gian tới, em sẽ có thêm nhiều khách hàng lớn để sản phẩm cỏ bàng quê hương đi xa hơn và bà con chòm xóm sống ổn được nghề truyền đời" - Trang trải lòng tâm nguyện.

Nhờ cỏ bàng mà có tiền đong gạo

"Những năm khó khăn sau năm 1975, người dân miệt bưng biền sống nhờ cỏ bàng dữ lắm. Lúa thất bát trên đất bưng phèn, tụi tui chỉ trông mấy cây hoang dã mà kiếm sống như cây tràm để nấu dầu bán, cỏ bàng đương đệm, làm giỏ, làm nốp vừa xài trong nhà vừa bán được ít đồng đong gạo", bà Bảy Bé (Nguyễn Thị Bảy ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An) tâm sự.

Nơi bà sống hồi chiến tranh rất ít dân, đến hồi kinh tế mới sau năm 1975 thì dân tứ xứ mới đổ về.

Đất bưng biền chỉ có hai thứ cây chính là cây tràm gió (còn gọi tràm bụi) và cỏ bàng. Làm nghề nấu dầu tràm cực hơn. Còn nghề đương bàng phù hợp với chị em phụ nữ. Mỗi năm họ vô bưng một, hai đợt 5-7 ngày để nhổ hoặc cắt cỏ bàng rồi đội về phơi khô, đương lát.

Cỏ bàng có mặt trong mọi ngóc ngách của dân quê nghèo, từ sản phẩm đương lát đến lợp mái nhà, che cái vách, thậm chí chụm lửa nấu ăn.

Q.M.
Chiều chiều đứng ở mé sông. Ngóng ghe hàng chợ như trông mẹ về. Một đồng mua bánh cho em. Hai đồng mua thuốc để dành phần cha...
Kỳ tới: Chiều chiều ngóng ghe hàng chợ
Theo THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.