Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 4: Yêu nhau cởi áo cho nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nỗi đau của lần hôn nhân thứ nhất và để lại cho đời áng thơ làm thổn thức hàng triệu con tim Mầu tím hoa sim, duyên số lại đưa đẩy nhà thơ Hữu Loan đến với người vợ thứ hai và cũng là "nàng thơ" của tác phẩm Hoa lúa trứ danh: Phạm Thị Nhu.
Hữu Loan và người vợ “Hoa lúa” Phạm Thị Nhu - Ảnh THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình
Hữu Loan và người vợ “Hoa lúa” Phạm Thị Nhu - Ảnh THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình
Bà Nhu sinh cho Hữu Loan 10 người con và cùng ông vượt qua bao gian khổ, thăng trầm đến những ngày cuối đời.
Một dạ theo chồng
Bà Phạm Thị Nhu sinh năm 1935, thua Hữu Loan 19 tuổi. 
Kể về cơ duyên gặp nhau của bố mẹ mình, ông Nguyễn Hữu Đán, người con thứ tám, cho biết: "Khoảng năm 1952, bố tôi về dạy học ở chỗ Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn bây giờ. Trong số học trò của cụ còn có anh trai họ của mẹ tôi. Nhà ngoại tôi lúc trước là địa chủ, đất đai ở vùng Nga Sơn nhiều lắm".
Sau cải cách ruộng đất, gia đình bà Nhu ly tán, bà phải đi chăn bò ở vùng quanh trường. Mỗi lần thả bò, bà Nhu cùng mấy người bạn mục đồng tranh thủ tới lấp ló ngoài cửa lớp để nghe Hữu Loan dạy. Những lời thơ từ người thầy điển trai làm mê mẩn cô gái 17 tuổi. 
Sau này kể lại với con cháu về những ngày đầu thấy Hữu Loan đứng trong lớp giảng Kiều, ngâm thơ, bà Nhu cho hay "nhiều đêm liền không ngủ được mà cứ thấy hình ảnh ông ấy đứng ngâm thơ".
Bà Nhu không ngờ rằng đôi mắt trong veo của mình cũng được nhà thơ để ý.
"Cụ lấy mẹ tôi vào năm 1953, đến năm sau thì sinh anh cả tôi là Nguyễn Hữu Cương", ông Đán kể đến đây thì chậm rãi ngâm những câu thơ đầu trong bài Hoa lúa của bố mình viết tặng mẹ:
"Em là con gái đồng xanh
tóc dà
vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
giếng ngọt
cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm trong lời em
từng lời...".
Thời điểm bà Nhu sinh người con trai đầu lòng, Hữu Loan đang ra Hà Nội để làm việc ở báo Văn Nghệ. 
"Lúc ấy bà sinh con xong bị đói, chẳng có chi mà ăn, cứ thế nhịn đói. Mấy hôm sau bố tôi mới về. Rồi sau đó bố đưa vợ con ra Hà Nội, xin cho mẹ tôi vào làm ở chỗ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Bà làm ở đó một thời gian cho đến khi bố tôi bỏ về Thanh Hóa, bà lại ôm con theo về. 
Cả đời bà, ông đi đâu bà theo đó, chẳng khi nào trách ông một lời", ông Đán kể tiếp.
Căn nhà của gia đình thi sĩ thời khốn khó - Ảnh: THÁI LỘC
Căn nhà của gia đình thi sĩ thời khốn khó - Ảnh: THÁI LỘC
Làm bánh bán chui
Năm 2013, khi Hữu Loan mất được ba năm, bà Nhu cũng đi theo chồng. 
"Bà làm bánh ướt, bún mộc từ khi về lại thôn Vân Hoàn sinh sống, cho đến năm bố tôi mất bà mới nghỉ, ngót nghét cũng 50 năm", ông Nguyễn Hữu Vũ, người con thứ tư, nói khi dẫn chúng tôi về thăm mái nhà xưa đang thờ bố mẹ mình.
Từ ngày ông bà mất, nơi đây cũng không còn ai ở, chỉ còn tiếng chim xanh véo von trên những tán nhãn che mát cả mảnh vườn nhỏ. Trong căn nhà cũ kỹ phía bên lối phải từ cổng đi vào, cái bếp nơi bà Nhu nấu bánh lúc sinh thời vẫn còn đó. 
Cái cối đá để xay bột do tự tay nhà thơ Hữu Loan đục đẽo cho vợ mình làm bánh vẫn còn nằm ở góc sân. Lâu không sử dụng, cả mặt cối phủ đầy đất, có cả những mầm cỏ lún phún mọc phía trên.
"Phải những năm 1980 bà mới có bếp để nấu, chứ trước đó nữa toàn là nấu chui, bán chui cả", ông Vũ cười nhớ lại cả tuổi thơ khốn khó của mình. Ông Vũ vẫn nhớ như in thời "ngăn sông cấm chợ", vài ba đồng tiền thồ đá của nhà thơ Hữu Loan không bõ bèn gì so với cả chục miệng ăn. 
Tối đến, nhà thơ phải lần mò trong đêm phụ vợ mình xay bột, làm bánh.
Bà Nhu tráng bánh ướt ngon có tiếng trong vùng. Nhưng để có bánh bán cho khách không phải là chuyện dễ. 
"Thời đó không có dầu ăn, muốn tráng bánh phải có mỡ lợn. Mà bị cấm sản xuất, giết mổ, chỉ còn cách lén lút nuôi lợn trong một chuồng kín không cho ai biết. Đến khi lợn lớn, phải chọn đêm tối, phải tống đầu lợn vào một bao gai đầy tro và ớt để nó sặc không kêu được rồi dìm xuống ao cho chết hẳn. 
Mổ cả con lợn cũng trong bóng tối, không dám thắp đèn vì sợ người ta biết", giọng ông Vũ run run khi đứng bên ao cá trong vườn. Mặt nước ao cá trong veo, yên tĩnh, nhưng ông Vũ như soi vào đó cả trời ký ức khổ ải.
Có được miếng mỡ, mỗi lần làm bánh phải dùng lá cây bít những lỗ quanh nhà kẻo sợ hương thơm mỡ phi hành bay xa. Mỗi khi bà Nhu tráng bánh, con cái lại phải thay nhau đứng canh chừng trước cổng. Làm ra mẻ bánh, trong khi chồng đi thồ đá thì bà Nhu lại phải "canh bán". 
"Làm bánh ra không dám để trong nhà, sợ người ta vào là bắt luôn cả cối đá, xoong nồi làm bánh. Bà phải đem ra đồng giấu. Bà làm bánh, ủ bún ngon nhất làng nên người ta cứ tới hỏi mua. Ai mua thì sai anh em chúng tôi lén đưa đi giao, lấy tiền về", ông Vũ kể thêm.
Hữu Loan đã chọn cách sống cùng khổ bằng lao động chân tay, để có chút niềm vui là tri thức của mình không bị áp đặt, lệ thuộc. Còn bà Nhu cả đời khổ ải theo chồng, có lẽ chỉ có niềm vui duy nhất là vun vén được cho chồng con.
Ông Vũ xúc động tâm sự về người mẹ mà ông mang khuôn mặt "như đúc": "Tính bà cũng bộc trực, ông hay nói bà thiếu tế nhị vì bà thấy cái gì cũng hay nói thẳng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bà cãi ý ông. 
Bà chăm sóc chồng con hết lòng bằng cách đơn giản nhất là kiếm cái quần cũ sửa lại cho ông mặc, tằn tiện lo rau cháo, nhường hết cho chồng con có cái ăn hằng ngày".
Hữu Loan cũng rất mực yêu vợ. Những năm không còn phải chịu cảnh bán bánh chui, rổ rá phải vá chằng vá đụp, người trong làng chiều chiều vẫn nghe ông bà vừa cùng xay bột vừa hát dân ca.
"Mãi về già sau này khi đã 90 tuổi, cụ vẫn thường hay khen nịnh mẹ tôi đẹp. Bà nghe thích lắm, lúc nào ông khen bà cũng cười tít mắt", ông Vũ cười kể, rồi bất giác ông nhìn lại cái cối đá mà khi xưa bố mẹ cùng nhau xay bột, ngâm lên những câu thơ cuối trong bài Hoa lúa.
Ông Vũ cho biết mẹ mình yêu chồng hết mực nên cũng có một tính là... rất ghen. "Bà ghen ác (dữ) lắm! Mấy cô nhà thơ, cô giáo ngưỡng mộ cụ, hay tới thăm và trò chuyện thân mật với cụ là bà ghen hết. 
Có đợt cụ chụp hình với một nhà thơ nữ, bà ghen quá lấy kéo cắt cái hình nhà thơ nữ vứt đi. Thỉnh thoảng nghe ông khen người vợ trước tốt đẹp thế này thế kia, bà cũng đánh tiếng ghen. Chuyện bà ghen, cả hội văn nghệ hay lui tới thăm cụ sau này đều biết", ông Vũ cười kể.
“ ... Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay...”.
Bài thơ Hoa lúa được Hữu Loan sáng tác năm 1955, đề dành tặng bà Phạm Thị Nhu.
Theo lời chính tác giả kể lại với người nhà, bài thơ vừa được viết, nhà thơ Nguyễn Bính lúc bấy giờ đã trả nhuận bút 15 đồng để đăng trên báo Trăm Hoa.
"Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài
Dốc chang chang trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo".
Kỳ tới: Nhà thơ tình đi thồ đá
Theo SƠN LÂM - THÁI LỘC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.