Đến năm 2025, Lâm Đồng cơ bản hình thành chính quyền số...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ký ban hành Kế hoạch phát động Phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên toàn tỉnh.
Trung tâm Điều hành IOC huyện Đạ Tẻh

Trung tâm Điều hành IOC huyện Đạ Tẻh

Theo đó, mục đích kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phong trào thi đua chuyển đổi số; sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số quốc gia.

UBND tỉnh yêu cầu, phong trào thi đua được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, địa phương, đơn vị; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Triển khai thực hiện sâu rộng, đồng bộ trong các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, nội dung và hình thức thi đua phải thiết thực, gắn với thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 573l/KwH-UBND.

Thông qua phong trào thi đua chuyển đổi số, bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và kịp thời, tạo sự lan tỏa thúc đẩy phong trào thi đua.

Tỉnh Lâm Đồng xác định việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, địa phương, đơn vị; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Chương trình Chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình Chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

TP Bảo Lộc lắp đặt camera an ninh trên các trục đường chính phục vụ Trung tâm IOC. Ảnh: K.P

TP Bảo Lộc lắp đặt camera an ninh trên các trục đường chính phục vụ Trung tâm IOC. Ảnh: K.P

5 nội dung thi đua cũng được nêu rõ: Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực của các cơ quan, địa phương, đơn vị; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số.

Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công nghệ thông tin về chuyển đổi số để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số; thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

Tiếp đó, ưu tiên và đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số, nhất là trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền số; trong đó trọng tâm là xây dựng hạ tầng số, phát triển các dịch vụ số, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, khai thác, sử dụng góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Tiếp tục hoàn thiện, cải tiến và tối ưu các hạ tầng số sẵn có, tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng số, nền tảng số mới một cách đồng bộ, sẵn sàng tiên phong thử nghiệm các giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, phòng, chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, tạo niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số.

Thu hút, tập hợp sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong công tác chuyển đổi số, tăng cường sự hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển và đổi mới sáng tạo trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đó là 100% các văn bản, tài liệu chính thức không mật trao đổi, xử lý, cập nhật, khai thác văn bản điện tử có chữ ký số trên mạng máy tính giữa các cơ quan Đảng và giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, được lưu trữ trong Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan. Đồng thời, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh, phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phấn đấu Lâm Đồng vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số...

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó năm 2022 ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua và UBND tỉnh yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào thi đua trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng phụ trách. Năm 2023, thực hiện triển khai sâu rộng phong trào, tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch; tổ chức sơ kết phong trào thi đua vào quý IV/2023. Giai đoạn 2024 - 2025, tiếp tục triển khai phong trào thi đua theo nội dung đã phát động; tổ chức tổng kết phong trào thi đua vào quý IV/2025.

Thông qua phong trào thi đua nhằm phát huy, khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.

Phong trào thi đua cũng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp, với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số của tỉnh, quốc gia.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện từ cơ sở và đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và kịp thời.

Có thể bạn quan tâm