Đề xuất xe máy bật đèn nhận diện cả ngày: "Đây là một giải pháp nghiêm túc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thành viên Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, quy định bật đèn nhận diện cả ngày có thể trước mắt không bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Sau đó, nếu có quy định thì nên áp dụng với khu vực ngoài đô thị.
Nhiều nước có khí hậu "nóng" đều áp dụng bật đèn nhận diện
Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó dự luật quy định phải sử dụng đèn nhận diện suốt cả ngày đối với xe mô tô, xe  máy, xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, dự luật này đang gây tranh cãi, vì cho rằng điều này không cần thiết.
Là thành viên Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chính thức thông tin về vấn đè này.
Theo ông Minh, vào 20.8.2014, Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về giao thông. Trong công ước này, việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày đối với xe máy được quy định rất rõ tại điều 3, khoản 6: "Trong suốt quá trình lưu thông, (dù ban đêm hay ban ngày) xe gắn máy phải bật ít nhất một đèn chiếu sáng phía trước và một đèn đỏ ở sau". Công ước quốc tế có giá trị như luật và sau 5 năm bắt buộc phải thực hiện.
Đề xuất xe máy bật đèn nhận diện vào ban ngày gây tranh cãi. Ảnh Sơn Tùng
Đề xuất xe máy bật đèn nhận diện vào ban ngày gây tranh cãi. Ảnh Sơn Tùng
Ông Minh cho hay, trong khu vực Asean, chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy. Tất cả các quốc gia khác trong ASEAN đều đã thể chế hóa thành quy định pháp luật và đã thực hiện việc bật đèn nhận diện từ trước đây rất lâu.
Nhiều mẫu xe máy đã trang bị đèn nhận diện
Về lý do đưa ra quy định này, thành viên Ban soạn thảo dự luật giao thông mới nói: Xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương, rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày). Bởi vậy, cần nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.
Để nâng cao khả năng nhận diện với xe máy thế giới đã chứng minh cách tốt nhất là dùng đèn nhận diện, có thể là đèn thiết kế theo xe của nhà sản xuất, hoặc đơn giản là dùng đèn chiếu gần đều đạt được mục tiêu như nhau là nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.
Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện nay, phần lớn các ôtô tại Việt Nam đều đã được trang bị loại đèn này. Với xe máy, rất nhiều mẫu trên thị trường đã được nhà sản xuất trang bị đèn chạy ban ngày (đèn trước luôn sáng mỗi khi xe chạy) và được người dân đón nhận một cách hết sức bình thường và tích cực.
Tuy nhiên, đây là dự thảo, cơ quan chủ trì hiện nay sẽ cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của người dân, cân nhắc điều kiện giao thông của Việt Nam, để sao cho quy định pháp luật khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách tốt nhất.
"Mặc dù đây là một giải pháp nghiêm túc với đầy đủ căn cứ lý luận và thực tiễn, đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam nên có lộ trình và cách áp dụng phù hợp.
Có thể trước mắt không bắt buộc mà chỉ khuyến khích (cả người dân và nhà sản xuất). Sau đó nếu có quy định thì nên áp dụng với khu vực ngoài đô thị.
Hiện nay, chúng ta đã có quy định sử dụng đèn rất rõ ràng với khu vực đông dân cư và ngoài khu dân cư, nếu bổ sung quy định sử dụng đèn nhận diện ban ngày ở khu vực ngoài khu dân cư thì hoàn toàn không có ảnh hưởng nhiều. Đây là cách tiếp cận khả thi và phù hợp với điều kiện Việt Nam", ông Minh thông tin
CƯỜNG NGÔ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tới thời của xe 'xanh'

Tới thời của xe 'xanh'

Ứng dụng công nghệ xanh là xu hướng tất yếu, buộc các hãng xe bảo thủ như Subaru, Honda... cũng phải nhanh chóng chuyển đổi.

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

(GLO)- Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9-2024, tổng doanh số ô tô của các đơn vị thành viên bán ra thị trường Việt Nam đạt 36.585 xe (tăng 45% so với tháng 8-2024).