Để Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lâm Đồng chính thức là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Để duy trì và hiện thực hóa các nội dung đã cam kết khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc vừa được công nhận trong cuối năm 2023 vừa qua, Đà Lạt đã đưa ra lộ trình thực hiện với các giải pháp cụ thể trong thời gian đến.

Biểu diễn Guitare cổ điển tại Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, Đà Lạt

Biểu diễn Guitare cổ điển tại Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, Đà Lạt

NHỮNG ƯU THẾ

Ngày 31/10/2023 đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho TP Đà Lạt khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ký thư xác nhận công nhận TP Đà Lạt, Lâm Đồng chính thức là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Để được công nhận hồ sơ ứng cử của mình, ngành chức năng Đà Lạt đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng như của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.

Đây cũng là sự công nhận xứng đáng cho một đô thị độc đáo tại Việt Nam với những đặc điểm rất riêng biệt trong rất nhiều mặt, về điều kiện tự nhiên với khí hậu miền núi dịu mát quanh năm, nguồn gốc hình thành, thành phần cư dân, quy hoạch, những nét kiến trúc châu Âu rất đặc trưng. Thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với những nét yên bình, lãng mạn hiếm có tại Việt Nam này trong suốt một quãng dài lịch sử của mình đã thu hút không ít những nghệ sỹ tài năng đến đây sáng tạo nghệ thuật.

Cho đến nay, Đà Lạt có rất nhiều tác giả với rất nhiều tác phẩm âm nhạc viết về thành phố này. Có người sinh sống tại Đà Lạt, có người đến đây để tìm cảm hứng cho những sáng tác của mình. Nhiều ca khúc nổi tiếng được sáng tác tại đây từ trước ngày thống nhất đất nước năm 1975 cho đến nay.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đà Lạt còn là thành phố của Lễ hội Hoa duy nhất của Việt Nam, được định kỳ tổ chức 2 năm một lần trong đó có nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc hấp dẫn mang đẳng cấp trong nước và quốc tế. Cùng đó hằng năm thành phố cũng có các sự kiện, các dự án âm nhạc được thực hiện tại đây để phục vụ cho người địa phương lẫn cho du khách.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, thành phố những năm gần đây đã hình thành nhiều cộng đồng sáng tạo, các không gian nghệ thuật, không gian trình diễn hấp dẫn, quy tụ nhiều nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, góp phần đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng, tạo điều kiện để cộng đồng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo.

Theo ông Lê Anh Kiệt - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, việc Đà Lạt gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” đã tạo điều kiện rất lớn để thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Đà Lạt rộng rãi ra ngoài nước cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu TP Đà Lạt như là một trong những điểm đến của du lịch sáng tạo âm nhạc, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đưa Đà Lạt trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành giữa các thành phố trong mạng lưới sáng tạo âm nhạc của UNESCO” - ông Kiệt cho biết.

ĐỂ THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT

Ngay sau khi được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt đã nỗ lực thực hiện các cam kết cho giai đoạn từ 2024 - 2027, trong đó xác định rõ các hoạt động thực hiện hàng năm.

Thành phố đến nay đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc như hội thảo chuyên đề: “Bức tranh âm nhạc trong bối cảnh mới - Đà Lạt với vai trò là thành phố âm nhạc của UNESCO”; phối hợp tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển; tổ chức chương trình Lễ hội âm nhạc cổ điển - Vietnam Classical Music Festival...

Tuy nhiên, như ông Kiệt cho biết, vẫn có không ít những khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết trong thời gian qua. Chẳng hạn như việc khó thu hút các nguồn đầu tư xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật trong khi cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa cho sự phát triển các ngành biểu diễn nghệ thuật vẫn còn nhiều bất cập; nhất là cơ chế, chính sách đối với việc đầu tư, tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác.

Ngoài ra khi gia nhập mạng lưới thì việc tham gia các sự kiện, chương trình thông qua các hình thức đối thoại, học tập kinh nghiệm và hợp tác với các thành phố thành viên cũng là một nhiệm vụ cần thiết. Hiện nay, hằng tháng thành phố trung bình tiếp nhận khoảng 2 - 3 thư của các thành viên trong mạng lưới mời tham gia các sự kiện, chương trình đối thoại, âm nhạc, lễ hội... Tuy nhiên, để tham gia được các chương trình này nguồn kinh phí vẫn còn hạn hẹp.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để duy trì và thực hiện tốt các nội dung đã cam kết, theo ông Kiệt, thành phố đang đưa ra lộ trình với các giải pháp thực hiện cụ thể. Trước nhất, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; thành lập và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo và Ban điều phối (bao gồm các tiểu ban như thư ký, tư vấn, truyền thông, tài chính...) để triển khai hiện thực hóa các cam kết.

Cùng đó, thành phố cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để triển khai các cam kết, trong đó xác định nhiệm vụ, các chương trình hoạt động cho từng năm cũng như bố trí nguồn kinh phí để tham gia các chương trình, các sự kiện ở nước ngoài theo thư mời của các thành viên trong mạng lưới; tích cực tham gia các Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chương trình khác do UNESCO tổ chức hay do các thành viên mạng lưới tổ chức thông qua các hình thức đối thoại, học tập và hợp tác với các thành phố thành viên.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, triển khai các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc để phát triển và giữ vững danh hiệu đã được công nhận; góp phần tạo tiền đề để các ngành công nghiệp văn hóa địa phương phát triển; tổ chức các hoạt động về âm nhạc lồng ghép trong các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật của Lâm Đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân và du khách có hoạt động cụ thể để tham gia hưởng ứng.

Thành phố cũng sẽ tăng cường quảng bá về thành phố sáng tạo âm nhạc; nâng cấp trang mạng (www.dalatcreativecity.com) đồng thời, thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin, hình ảnh, sự kiện văn hóa nghệ thuật âm nhạc; tăng cường liên kết, kết nối với các trang mạng xã hội (facebook) về du lịch công, tư có mức độ ảnh hưởng và tương tác cao để tăng cường sức lan tỏa và chia sẻ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.