Để bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên gắn với"Hành trình du lịch"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong 3 ngày từ ngày 29 - 31/12/2018, tại Khu du lịch sinh thái Ako Ea, Buôn A ko Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đã diễn ra Ngày hội văn hóa Ako Ea với chủ đề Cội nguồn Ê Đê do Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên tổ chức. Ngày hội là hoạt động thiết thực chào đón năm mới Kỷ Hợi 2019 và góp phần giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên gắn với “Hành trình du lịch”.
 
Diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại
Với những người con ở Đắk Lăk nói riêng và Tây Nguyên, Ngày hội văn hóa Ako Ea đã thực sự mang đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đến với Ngày hội, du khách có dịp hòa mình vào không gian văn hóa với những giai điệu âm nhạc hòa trộn với âm hưởng rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng; được chiêm ngưỡng những màn trình diễn trang phục truyền thống đặc sắc của dân tộc Ê Đê. Ngoài ra. du khách còn được chứng kiến tài nghệ của các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan mây tre, tạc tượng gỗ dân, lễ mừng nhà mới hay thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của người Ê đê; tham gia các trò chơi dân gian mang đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống. 
Chị Nguyễn Thị Thúy, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Tham gia lễ hội đã cho tôi sự cảm nhận sâu sắc về nền văn hoá của người Ê Đê xưa kia. Hiện nay những hoạt động văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, các lễ cúng ít được thực hiện trong đời sống hiện đại thì những Ngày hội như thế này thực sự có ý nghĩa để hế hệ sau được cảm nhận và phát huy các văn hoá truyền thống.
 
Biểu diễn dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê
Tây Nguyên, mảnh đất chứa đựng nét huyền bí của nhiều giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc, đặc biệt đã được UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của mỗi dân tộc hợp thành một tổng thể văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên, góp phần đa dạng văn hóa Việt Nam.
Để góp phần tôn vinh gìn giữ và phát huy những nét truyền thống của người dân bản địa, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà, những năm gần đây tỉnh ĐắkLắk đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên cơ sở phát huy thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Với những nét đặc trưng của bến nước, nhà dài, đồi cây, dòng suối róc rách, khu du lịch sinh thái đang là những điểm đến lý tưởng đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về miền đất, con người Tây Nguyên với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và những lễ hội, nét văn hóa các dân tộc đa dạng, đặc sắc, đầy hấp dẫn.
 
Biểu diễn nghề đan lát các vật dụng trong gia đình như gùi, rổ…
Anh Y Yal Byă, Quản lý Khu du lịch sinh thái Akoea, thành phố Buôn ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Những hoạt động phong tục truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, tái hiện lại các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng gắn với Lễ hội Tây Nguyên nhằm phát huy và xây dựng lòng tự hào dân tộc, quảng bá văn hoá người Ê Đê đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhận định về phát triển du lịch Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđăm - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Muốn phát triển du lịch vùng Tây Nguyên thì phải kết hợp với nền văn hoá cộng đồng bao gồm cả phi vật thể và vật thể như: nhà dài gắn với không gian trình diễn cồng chiêng gắn với lễ hội để tạo không gian biểu diễn ca múa nhạc. Nếu thực hiện tốt những vấn đề này thì sẽ là nét đặc sắc để khách du lịch đến với Đắk Lắk, đến với Tây Nguyên có chiều sâu hơn.
 
Thưởng thức rượu cần bản sắc văn hoá của người dân tộc Tây Nguyên
Do đó, những Ngày hội văn hoá Ako Ea như thế này cần được tổ chức nhiều hơn. Nhất là Đắk Lắk đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 gắn với “Hành trình du lịch” thì những hoạt động này cần được phát huy và duy trì thường xuyên để khách du lịch không chỉ đến với Đắk Lắk trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột mà còn đến với Đắk Lắk trong thời gian dài sau đó”.
Có thể nói, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước thì nhiều Lễ hội đang dần bị mai một. Song, trong đời sống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng có rất nhiều phong tục, nghi lễ gắn với đời sống sản xuất, sinh hoạt vẫn luôn được bà con gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Người Ê Đê cho rằng văn hoá dân tộc luôn đi đôi với việc xây dựng buôn, làng ngày càng phát triển trong đồi sống hiện đại.
Đình Thắng (TN&MT)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.