Mang bản sắc văn hóa đến với lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 100 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên đã mang tới Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình qua việc trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Những đôi tay tài hoa ấy đang góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Dưới bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã cho ra đời nhiều tấm dệt tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Mai Ka
Dưới bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã cho ra đời nhiều tấm dệt tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Mai Ka
Trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nghệ nhân của các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai đã cùng nhau thể hiện phần trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm. Sau khi đã nhận vị trí trình diễn của đoàn mình, các nghệ nhân nhanh chóng bắt tay vào công việc. Nghệ nhân các đoàn Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum trình diễn ở khu vực đường bê tông từ Bảo tàng tỉnh đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum; các đoàn của tỉnh Gia Lai trình diễn trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum. Các đoàn đều chọn từ 1-2 nghệ nhân cho mỗi loại hình nghệ thuật. Riêng đối với các hoạt động trình diễn dệt thổ cẩm và đan lát, các nghệ nhân đã mang theo các sản phẩm hoàn thiện đến trưng bày, giới thiệu tại địa điểm trình diễn.
Ở loại hình nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, dựa trên nguyên liệu gỗ do ban tổ chức chuẩn bị, các nghệ nhân đã phô diễn tài năng dùng các loại dụng cụ thô sơ như: rìu, đục, dao, rựa, búa ... để sáng tác nên hàng chục tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm lột tả được nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng gỗ, miêu tả sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên trong lao động sản xuất, trong các dịp lễ hội; góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, mỗi nghệ nhân thuộc mỗi dân tộc khác nhau đã chọn những hình tượng tác phẩm mang tính đặc trưng, kế thừa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Vừa say sưa với tác phẩm của mình, nghệ nhân A Huynh (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vừa vui vẻ giải thích: “Bức tượng của tôi có tên là "Cô gái hái củi" với ý nghĩa là người dân Jrai theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ luôn là chủ nhân của gia đình. Bên cạnh đó, bức tượng cũng thể hiện sự thân thiện với thiên nhiên, yêu chuộng thiên nhiên. Hình ảnh tôi muốn tạo nên là con người lúc nào cũng rất gần gũi với thiên nhiên. Đến với lễ hội, tôi muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nghệ nhân của các dân tộc anh em để nâng cao kiến thức trong tạc tượng gỗ, để có thể lưu giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian không bị mai một". Trong khi đó, nghệ nhân Hyưt (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đưa tới lễ hội tác phẩm “Tượng nhà mồ”. “Tượng gỗ của đồng bào các dân tộc Bahnar chúng tôi chủ yếu sử dụng trong trang trí nhà mồ, nhằm tái hiện những tính cách đặc trưng nhất của người đã khuất, thể hiện tình cảm thương yêu của những người thân trong gia đình với người đã mất”-nghệ nhân Hyưt chia sẻ.
Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đan lát. Ảnh: Mai Ka
Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đan lát. Ảnh: Mai Ka
Còn với loại hình nghệ thuật đan lát và dệt thổ cẩm, các nghệ nhân được phép đan, dệt trước 1/2 sản phẩm, còn lại đem đến lễ hội để hoàn thiện. Với các nghệ nhân, đến với lễ hội lần này, ngoài giao lưu, học tập kinh nghiệm, còn là dịp để họ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới bàn tay tài hoa, cùng trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân đã cho ra đời hàng chục tác phẩm có đường nét hoa văn vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. “Ngồi trong không gian lễ hội để trình diễn dệt thổ cẩm, cảm xúc của tôi rất đặc biệt. Đã có hàng trăm du khách đã đến tham quan, tìm hiểu tấm dệt của tôi. Qua đây, mọi người sẽ hiểu hơn những giá trị văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên chúng tôi”- nghệ nhân Đinh Thị Lăm (làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bày tỏ.
Tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm… vốn là những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chính vì thế, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 vừa là sân chơi lành mạnh, bổ ích vừa là dịp để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. Anh Nguyễn Văn Thế (du khách đến từ tỉnh Hải Dương) phấn khởi cho hay: “Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo cơ hội để du khách trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên... Lần đầu tiên tôi có một chuyến du lịch xa và ý nghĩa tại vùng đất này. Được tận mắt chứng kiến và tận tay chạm vào những bức tượng gỗ, những tấm thổ cẩm… quả thật rất thú vị”.
Mai Ka

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.