(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục mới ở vùng giải phóng. Tại Gia Lai, đội ngũ nhà giáo lúc bấy giờ đã kề vai sát cánh, chung sức xây dựng trường lớp, tích cực giảng dạy và tham gia hoạt động cách mạng ở vùng căn cứ. Nhiều câu chuyện đẹp về tình thầy trò được viết lên từ những tháng ngày gian khổ ấy...
Ấm lòng dưới mái trường vùng căn cứ
Tôi tìm gặp ông Ngô Minh Thúy-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh để được hiểu rõ hơn về câu chuyện dạy và học ở Gia Lai trong giai đoạn đất nước còn chưa yên tiếng súng. Là một trong những “nhà giáo đi B” (giáo viên từ miền Bắc được Trung ương điều động chi viện cho chiến trường miền Nam-P.V), năm 1973, ông Thúy rời quê nhà Nông Cống (Thanh Hóa) để vào Gia Lai. Ông được phân công về làm cán bộ Ban Giáo dục tỉnh; sau đó gắn bó với việc giảng dạy cho học sinh ở Trường Nội trú tỉnh (địa điểm đặt tại xã Lơ Ku, huyện Kbang) từ tháng 7-1974 cho đến ngày giải phóng. Đối với những giáo viên như ông, đó là quãng thời gian đầy khó khổ nhưng lại vô cùng ấm áp, nghĩa tình.
Theo ông Phạm Văn Nguyên, nền giáo dục của tỉnh ta trước giải phóng đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Ảnh: Mộc Trà |
Ông Thúy kể, Trường Nội trú tỉnh được thành lập vào tháng 9-1970, gồm nhiều lớp học do cán bộ cách mạng cùng dân làng chung tay dựng nên bằng tranh-tre-nứa-lá. Tất cả bàn ghế đều làm bằng tre. Còn tấm bảng lớp học được giáo viên dùng những miếng gỗ rời ghép lại; sau đó giã nhuyễn than củi với lá khoai lang đem bôi lên bề mặt rồi phơi khô tạo được lớp màu đen để viết phấn trắng. Bút, giấy, sách, vở đều phải mua ở vùng đồng bằng gửi lên.
“Hồi ấy, trường chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 3 và 1 lớp vỡ lòng. Người học đủ các độ tuổi, thành phần; trong đó có 40% là con em cán bộ, còn lại là học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng giải phóng. Giáo viên linh hoạt sắp xếp thời gian giảng dạy giữa các lớp, hết chương trình lớp 1 lại chuyển sang chương trình lớp 2, 3. Cứ theo kiểu cuốn chiếu như thế chứ không có thời gian nghỉ hè. Mục đích chính là xóa mù chữ nên thầy cứ dạy đến khi nào trò thành thạo đọc-viết, thuộc bảng cửu chương mới thôi”-ông Thúy cho hay.
Sau những giờ học, thầy-trò lại xắn tay cùng nhau tăng gia sản xuất để tự phục vụ nhu cầu của chính mình. Trên mảnh đất mới vừa khai hoang là những rẫy lúa, nương mì, vườn rau xanh tốt. Cách đó không xa là mấy chuồng heo, trại gà dựng tạm để chăn nuôi. Tình cảm của giáo viên và học sinh thời chiến được bồi đắp qua các hoạt động giản đơn như thế, lâu dần trở nên gắn bó khăng khít. “Ấm lòng nhất có lẽ là mỗi khi giáo viên chúng tôi phải trải qua những cơn sốt rét triền miên lại nhận được sự quan tâm, yêu thương đong đầy từ phía học trò. Ngoài thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc, cứ hễ bẫy được con chim, con chuột hay bẻ được quả bứa, búp măng..., các em đều mang “bồi bổ” cho thầy để mau khỏi bệnh”-ông Thúy xúc động nhắc nhớ.
Không chỉ giáo viên, những học sinh thời chiến cũng lưu giữ trong lòng nhiều kỷ niệm khó quên dưới mái trường nội trú vùng căn cứ. Ông Nguyễn Hữu Thái-nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Chư Pưh (hiện trú tại tổ 5, thị trấn Chư Sê) bày tỏ: “14 tuổi, tôi được đồng đội của cha dẫn lên căn cứ khu 10, rồi học tập ở Trường Nội trú tỉnh tại xã Lơ Ku từ năm 1973. Học lên tới lớp 3 thì giải phóng. Thường chúng tôi học 1 buổi, buổi còn lại đi làm rẫy hoặc vào mùa thì thầy trò lại kéo nhau đi gặt lúa giúp bà con. Đêm về, chúng tôi tập trung ở nhà thầy hiệu trưởng để nghe thời sự, ca nhạc từ chiếc radio nhỏ. Nhớ nhất là những cái Tết trong chiến khu. Không chỉ cùng các bạn lên rừng chặt mai về trang trí đón Xuân, tôi còn được phân công vào làng đổi gạo nếp, gà, heo… về ăn Tết vì sành tiếng Bahnar. Bây giờ, với chúng tôi, tất cả đã trở thành chuỗi ký ức thật đẹp đẽ”.
Chú trọng phát triển giáo dục từ thời chiến
Từ năm 1955, tại Gia Lai, các hoạt động giáo dục ở cơ sở bắt đầu được triển khai dưới sự chỉ đạo của một số cán bộ cách mạng được phân công ở lại công tác sau Hiệp định Genève. Những lớp học tiếng dân tộc, dạy nói và viết chữ phổ thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, nâng dần giác ngộ chính trị cho cán bộ và nhân dân. Phong trào “Bình dân học vụ” phát triển mạnh ở nhiều vùng trong tỉnh.
Học sinh Trường cấp 1 thị trấn Dân Chủ tập thể dục buổi sáng ngày 7-2-1974. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Bộ máy giáo dục cấp tỉnh thời gian đầu là Tiểu ban Giáo dục nằm trong Ban Tuyên huấn. Khoảng tháng 5-1962, tiểu ban này được tách ra khỏi Ban Tuyên huấn để thành lập Ban Giáo dục tỉnh trực thuộc UBND cách mạng tỉnh. Các trường học sau đó cũng lần lượt ra đời như: Trường Bổ túc văn hóa cán bộ (1965), Trường Sư phạm tỉnh (1969), Trường Nội trú tỉnh (1970); địa điểm đặt tại xã Lơ Ku và Sơ Pai, huyện Kbang. Tháng 10-1973, trường cấp I phổ thông đầu tiên được thành lập tại thị trấn Dân Chủ (xã Krong, huyện Kbang). Đội ngũ nhà giáo lúc ấy bao gồm “nhà giáo kháng chiến” (tức những cán bộ tại chỗ được Đảng bố trí sang làm công tác xây dựng phong trào giáo dục) và những “nhà giáo đi B”.
Ông Phạm Văn Nguyên (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku)-người từng giữ chức Phó Trưởng tiểu ban Bổ túc-Ban Giáo dục tỉnh Gia Lai từ tháng 4-1972 đến tháng 4-1975-cho biết: Công tác bổ túc văn hóa khi đó rất được chú trọng. Chúng tôi luôn chỉ đạo các trường phải tập trung cho vấn đề này nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho cách mạng. Ngoài ra, các huyện cũng xây dựng được rất nhiều lớp bổ túc văn hóa tại làng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ cho thanh-thiếu niên và cán bộ thôn, làng. Trước mỗi năm học, cán bộ, giáo viên phải lặn lội xuống tận các làng vùng giải phóng kêu gọi, vận động học sinh đến lớp học chữ; đồng thời bản thân cũng tự học tiếng dân tộc để dễ dàng giao tiếp, tuyên truyền.
Đến giữa năm 1973, trong điều kiện chiến tranh hết sức khó khăn nhưng ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Theo tư liệu của ông Phan Ngọc Anh (cán bộ tập kết và trở về miền Nam từ năm 1964, nguyên Ủy viên Thường trực Ban Giáo dục tỉnh Gia Lai thời kỳ 1972-1975), toàn tỉnh lúc đó đã có 271 cán bộ, giáo viên; hệ thống giáo dục phát triển đến nhiều vùng giải phóng với 111 lớp, 2.346 học viên “Bình dân học vụ” mở ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số; 115 lớp, 757 học viên bổ túc văn hóa tại chức cho cán bộ vừa làm vừa học; 9 lớp, 184 học viên bổ túc văn hóa tập trung được mở tại Trường Bổ túc văn hóa tỉnh và ở một số huyện. Ban Giáo dục tỉnh còn được Trung ương chi viện thêm 16 giáo viên từ miền Bắc vào, hầu hết là giáo viên cấp II.
Nói về quá trình thành lập ngôi trường phổ thông đầu tiên của ngành Giáo dục cách mạng tỉnh, ông Ngô Minh Thúy chia sẻ: Trước yêu cầu cấp thiết, năm 1973, Tỉnh ủy và UBND cách mạng tỉnh chủ trương thành lập trường phổ thông cấp I, đặt ngay tại thị trấn Dân Chủ với hình thức tổ chức giống như một trường ở miền Bắc. Ngày khai giảng được ấn định là 1-10-1973. Khu trường nằm trên một khoảnh đất rộng bằng phẳng khoảng 1 ha, gần kề phía trái trung tâm thị trấn, sau lưng là rừng nguyên sinh. Trường được dựng bằng gỗ, lợp tranh, bốn bề che bằng phên nứa và có một căn nhà nhỏ phía sau để làm chỗ ở cho giáo viên. Bàn ghế trong lớp học là 6 cái cọc đóng sâu xuống đất, bên trên kê tấm ván.
“Nhà giáo Cao Ngọc Nguyên-nguyên Hiệu trưởng Trường cấp I thị trấn Dân Chủ kể với tôi, khóa học đầu tiên, trường huy động được 85 học sinh, biên chế làm 4 lớp với hai lớp 1, một lớp 2 và một lớp 3; bao gồm con em cán bộ tỉnh, huyện 2 (nay là huyện Kbang), con em đồng bào sinh sống xung quanh vùng thị trấn và các làng đồng bào dân tộc thiểu số lân cận. Lễ khai giảng được tổ chức vô cùng trang trọng và rộn ràng, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và đông đảo nhân dân trong vùng. Đây được xem là một sự kiện lớn của tỉnh vì lần đầu tiên trong vùng giải phóng có một ngôi trường bề thế như vậy. Tôi lúc ấy đang là cán bộ của Ban Giáo dục, được biệt phái đến trường trong thời gian khoảng nửa tháng để cùng anh em soạn kế hoạch giảng dạy. Sau ngày giải phóng tỉnh, ngôi trường này được lệnh giải tán để học sinh theo cha mẹ đến nơi công tác mới. Tuy chỉ tồn tại có 19 tháng nhưng mái trường ấy thực sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”-ông Thúy chia sẻ.
...Hòa bình lập lại, tỉnh Gia Lai có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng, gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào. Và trên chặng đường vẻ vang ấy cũng ghi đậm dấu ấn của biết bao thế hệ nhà giáo, trong đó có những nhà giáo thời kháng chiến.
MỘC TRÀ