(GLO)- Các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã cố gắng thực hiện công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời gian qua đã thu được một số kết quả, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại.
Một số kết quả đạt được
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 10 cơ sở dạy nghề công lập và 2 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Toàn tỉnh có 13 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và 3 Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị và Giáo dục Thường xuyên cấp huyện vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề. Hiện đang xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai giai đoạn I và 2 Trung tâm Dạy nghề cấp huyện. Kinh phí phân bổ để đào tạo nghề từ năm 2008 đến 30-10-2011 là 111,205 tỷ đồng, trong đó Trung ương cấp 67,47 tỷ đồng, địa phương cấp 43,735 tỷ đồng.
Kết quả đào tạo nghề từ năm 2008 đến tháng 10-2011: Tổng số lao động được đào tạo là 51.342 người, trong đó: Dạy nghề dài hạn (cao đẳng nghề, trung cấp nghề) là 4.096 người, người DTTS có 1.063 người, chiếm 25,95%; dạy nghề ngắn hạn: Sơ cấp nghề đạt 26.950 người, DTTS có 3.919 người, chiếm 14,54%; dạy nghề cho lao động nông thôn đạt 20.296 người, DTTS có 13.872 người, chiếm 68,34%.
Giờ thực hành tại một cơ sở dạy nghề. Ảnh: Hương Trà |
Các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, chủ yếu dạy các lớp bổ túc văn hóa trung học cơ sở, trung học phổ thông, đồng thời liên kết với các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề của tỉnh và khu vực mở các lớp dạy nghề mộc, nề, sửa chữa xe máy, hàn, điện dân dụng, may, tin học…
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, trong tháng 10-2011 đã tuyển sinh đào tạo 4.127 học viên, trong đó dân tộc thiểu số có 2.688 học viên, chiếm 65,13%.
Các doanh nghiệp nông- lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng lao động dân tộc thiểu số: Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến 10-9-2011, 25 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình sử dụng lao động dân tộc thiểu số với 10.309 người, chiếm 38,1% số lao động trong các doanh nghiệp.
Tuyển dụng lao động trong các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 đến nay trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng 2.094 lao động, dân tộc thiểu số có 1.259 lao động, chiếm 60,1%. Ngoài ra còn có 3.537 lao động thời vụ.
Những khó khăn và tồn tại
Hầu hết các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh đều thiếu giáo viên và thợ hướng dẫn thực hành nghề. Số giáo viên cơ hữu ít, chủ yếu là giáo viên dạy văn hóa, đào tạo nghề phần lớn chưa có địa chỉ. Ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, phong phú nên chưa thu hút được nhiều học viên. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề cấp huyện và cụm huyện đều thiếu cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề, giáo viên; chế độ cho học viên quá thấp (6.000 đồng/học viên/ngày) dẫn đến khó hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Mức hỗ trợ học viên là người dân tộc thiểu số học nghề 140.000 đồng/tháng đến nay không phù hợp; các em gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống, dễ nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ học giữa chừng.
Số học viên dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề dài hạn còn ít, chỉ chiếm 26%, phần lớn tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Các lớp dạy nghề thường xuyên, thời gian đào tạo ngắn, ít có điều kiện thực hành, khi học xong khó có thể tìm được việc làm hoặc sống bằng nghề được đào tạo.Việc tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ tại các dự án trồng cao su trong thời gian qua không đạt yêu cầu đề ra.
Hương Trà