Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đẩy mạnh kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành và địa phương, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc.
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2013, Phó Thủ tướng nêu rõ cần xác định công tác tư pháp không chỉ là của Bộ Tư pháp mà còn là của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Vì vậy, đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp, pháp chế, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với việc tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là một giải pháp nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật hiện nay trong một số lĩnh vực đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật, cần có các giải pháp đột phá nhằm tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả, gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, tạo cơ sở cho việc chuyển hướng từ tập trung xây dựng thể chế sang tập trung thực thi thể chế; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 theo tình hình thực tiễn thi hành pháp luật của từng Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cần chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính và hoàn thành việc xây dựng các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực trong nửa đầu năm 2013; trong đó, đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý, đồng bộ của các văn bản và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Một trong các giải pháp được đưa ra là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế. Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tư pháp, pháp chế theo yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa, tăng cường chế độ ưu đãi và các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn.
Năm qua, cơ chế theo dõi thực thi pháp luật được hình thành và được triển khai có kết quả bước đầu, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhân dân, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, yếu kém; tiến độ, chất lượng xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, nhất là ở cấp Trung ương, cấp Bộ và liên Bộ. Công tác hộ tịch liên quan đến người dân rất nhiều nhưng chậm được đổi mới, còn thủ công, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương...
Theo Chinhphu.vn