Dạy con không đòn roi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhìn cách tôi bắt đứa con trai đứng ở góc tường tự suy nghĩ về lỗi lầm mình vừa phạm phải, bà ngoại ở ngoài chỉ biết cười. Ban đầu, bà còn nghĩ cho nó vài cái roi vào mông là xong, nhưng qua vài lần thấy tôi phạt con như thế, bà có suy nghĩ khác.

Nhìn cách tôi bắt đứa con trai đứng ở góc tường tự suy nghĩ về lỗi lầm mình vừa phạm phải, bà ngoại ở ngoài chỉ biết cười. Ban đầu, bà còn nghĩ cho nó vài cái roi vào mông là xong, nhưng qua vài lần thấy tôi phạt con như thế, bà có suy nghĩ khác.

Chuyện nhà mình

Góc nhà có lẽ là nơi “ám ảnh” nhưng cũng rất quen thuộc với cậu con trai sắp bước sang tuổi lên 4 của tôi. Tôi nhớ như in, ngày đầu tiên phạt con đứng vào góc nhà, cậu bé khóc như mưa, nhất quyết phải có cha đứng bên cạnh mới chịu. Sau này, khi dần quen, mỗi lần chỉ cần tôi nhắc, cậu bé tự biết vị trí của mình. Tôi còn cho con tự chọn sẽ đứng ở đó mấy phút. Những lỗi nhẹ, số phút đứng phạt sẽ ít hơn và ngược lại. Hiển nhiên, trước khi phạt, hai cha con sẽ luôn có sự đồng thuận số phút tương ứng để con hiểu. Với tôi, phạt con đứng góc nhà là cách để bé tự trấn tĩnh cảm xúc sau khi gây ra một lỗi lầm nào đó. Và, quan trọng nhất là khi đứng góc nhà sẽ luôn có bài tập, con sẽ phải tự suy nghĩ mình vừa phạm lỗi gì, lý do vì sao phạm lỗi và sẽ làm gì để không tái diễn.

Tôi nhớ, lần đầu tiên chứng kiến cảnh phạt con kiểu này, thấy thằng nhóc mếu máo, bà ngoại vừa cười vừa thương. “Phạt vài cái roi vào mông là được, cần gì bắt nó đứng lâu như thế”, bà ngoại chen ngang. Nhưng tôi vẫn nhất quyết phạt là phải nghiêm. Khi đã hoàn thành hình phạt, việc đầu tiên tôi sẽ ôm con vào lòng và để cho bé tự nhận lỗi. Tôi thích dạy con kiểu “vừa đấm vừa xoa”, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhẹ nhàng. Bởi tôi tin, một đứa trẻ khi bị phạt sẽ cảm thấy rất ấm ức, khó chịu, đôi khi còn có cảm giác mình không được yêu thương. Vậy nên, một cái ôm xoa dịu, dần dần theo thời gian bé sẽ hiểu, có lỗi bị phạt, ngoan sẽ được thưởng. Sau vài lần như thế, bà ngoại cũng quen và nhận ra, câu “thương cho roi cho vọt” không phải lúc nào phạt con cũng là đánh, mắng.

Ngoài đứng góc nhà, sau này tôi còn phạt con bằng nhiều cách khác. Nhà có tấm bảng viết lớn, luôn có 2 cột điểm cộng và điểm trừ, ứng với việc tốt và chưa tốt con phạm phải mỗi ngày. Tương tự, khi đọc câu chuyện về hũ đậu, tôi cũng có luôn một hũ đậu đen, một hũ đậu trắng. Trong mọi trường hợp, tôi đều cho con lựa chọn số điểm hay số hạt đậu mình nhận về. Điều tôi cảm nhận chính là tính tự giác, kỷ luật của con chứ không phải sự áp đặt của cha mẹ.

Nhưng, nhà tôi vẫn có một cây roi bằng tre để trên nóc tủ lạnh. Và, cậu con trai tôi cũng tự biết, nó chỉ để… trưng bày ở đó.

Và chuyện nhà người

Bạn tôi kể, có một lần vì quá nóng giận đã phạt nhốt con vào nhà tắm tối thui và để mặc bé trong đó. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh cho đến tận bây giờ, dù cô bé đã lên lớp 5. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản phạt nặng, kiểu đòn đau nhớ đời nhưng không lường trước tình huống hình phạt đó không phù hợp với con mình. Sau này dù mỗi lần con nhắc lại, tôi luôn miệng xin lỗi nhưng đó vẫn là ký ức không đẹp”, bạn tôi chia sẻ.

Có không ít người luôn vin vào câu cửa miệng của các cụ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để dạy con. Bởi với họ, đòn roi là hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất và có lẽ, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đòn roi trong câu “thương cho roi cho vọt” cũng nên được hiểu theo một cách linh hoạt, đó là sự nghiêm khắc trong dạy bảo con cái, chứ không phải lúc nào cũng nhất thiết phải là đánh đòn. Trên thực tế, có không ít đứa trẻ theo thời gian sẽ trở nên… lì đòn. Sau một thời gian gặp lại, anh bạn thời nối khố chỉ vào cậu con trai đang học lớp 2 và kể: “Tuần nào tôi cũng nghe điện thoại của cô giáo, thậm chí còn bị mời lên lớp vì thằng nhỏ nghĩ ra đủ trò để quậy phá, thậm chí còn đánh bạn, ba mẹ phải đi xin lỗi. Tôi xem ra đòn roi cũng không còn tác dụng vì mỗi lần khi mình chuẩn bị phạt là nó đã trong tâm lý sẵn sàng. Ban đầu còn khóc lóc, xin tha hay giảm số roi nhưng giờ nó cứ lì ra như thế”.

Với những thế hệ 7X, 8X hay 9X, đòn roi đã trở thành “món ăn” quen thuộc. Vợ tôi từng kể, câu cửa miệng của cha vợ là, ngày nào không được ăn đòn roi lại thấy thiếu, ăn cơm không ngon, học hành không vào nề nếp. Hay như trong ký ức của một chị bạn đồng nghiệp là những “bữa cơm roi” không đếm hết được, nhiều khi bị đánh mà không biết lý do là gì. Điều này thậm chí đã in hằn trong ký ức, khiến khi chị lập gia đình, rồi sinh con thời gian đầu cũng rèn con cái mình bằng kỷ luật đòn roi. Nhưng rồi chị nhận ra, đòn roi không còn tác dụng, nhất là với những đứa trẻ hiện nay tính tự ái và ý thức về quyền cá nhân luôn rất cao.

Chúng ta thường xót xa, phẫn nộ khi đọc trên báo, mạng xã hội về những câu chuyện bạo hành trẻ em, thậm chí do từ chính cha mẹ gây ra. Không ai trong số chúng ta muốn dùng đòn roi để dạy con, nhưng trong không ít trường hợp khi không thể kìm cơn nóng giận, đòn roi trở thành cách chúng ta phản ứng như một phản xạ tự nhiên với con cái. Thế nhưng, con bị đánh con đau do tác động vật lý, song người đau nhiều hơn lại chính là cha mẹ. Do đó, dạy con là cả nghệ thuật của cương - nhu. Và trong nhiều trường hợp, “lạt mềm” còn dễ “buộc chặt” hơn.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.