(GLO)- Có thể nói, Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) từng là những “điểm sáng” văn hóa tại nông thôn, góp phần bù đắp sự thiếu hụt thông tin của người dân ở vùng sâu, vùng xa; là thiết chế văn hoá do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam chủ trì sáng lập được đông đảo nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Vậy nhưng, thời đó đã xa những điểm sáng BĐVHX ngày nào giờ đây chỉ còn “le lói”…
Nhớ lại cách đây khoảng hơn 10 năm, sau những chuyến công tác ở cơ sở Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã mạnh dạn đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên mô hình BĐVHX. Lúc bấy giờ việc trao đổi, tiếp cận thông tin của người dân ở nông thôn hết sức khó khăn, chủ yếu là dùng dịch vụ thư của bưu chính, một lá thư gửi đi đến tay người nhận thời gian phải tính bằng tuần, có khi hàng tháng. Rất hiếm khi người dân được tiếp cận với sách báo.
Đìu hiu một điểm Bưu điện Văn hóa xã |
Chính vì thế mô hình BĐVHX được hình thành từ những năm 1998, chúng mang đậm tính xã hội hơn là mục đích kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân nông thôn được bình đẳng với người dân thành thị trong việc hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông, giảm khoảng cách tiếp cận giữa thành thị và nông thôn.
Giai đoạn đầu, các điểm BĐVHX hoạt động tương đối tốt, khâu tổ chức vận hành bộ máy tương đối ổn định, cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản như chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, tem thư, đặt báo chí, điện thoại công cộng, điện báo, dịch vụ 1080. Những điểm có điều kiện còn trang bị thêm máy tính cung cấp dịch vụ Internet. BĐVHX đã thực sự đi vào đời sống của người dân ở những vùng nông thôn, khởi đầu đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động, tương đương với hơn 3.000 điểm BĐVHX cả nước. Đến nay cả nước hơn 8.000 điểm BĐVHX, tương đương hơn 8.000 lao động, trong đó riêng tỉnh Gia Lai là 163 điểm.
Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, một số dịch vụ của BĐVHX đã không còn phù hợp, điện thoại công cộng không còn cần thiết khi đa số người dân đã có điện thoại bàn hoặc di động, thư tay cũng dần bị thay thế bởi thư điện tử (email)… Bên cạnh đó, việc triển khai các điểm BĐVHX trong những điều kiện khó khăn nhất định của vùng nông thôn như: Trình độ dân trí không đồng đều, dân cư thưa thớt, nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông không cao... càng khiến mô hình BĐVHX ngày càng đang xuống cấp trầm trọng. Hầu như việc củng cố hoạt động điểm BĐVHX không được quan tâm chú trọng; cơ sở vật chất trở nên xuống cấp; có điểm lại đặt vị trí khá xa khu dân cư; các đầu sách báo, tạp chí thì nghèo nàn về thể loại.
Em Nguyễn Thị Thiên- học sinh lớp 8B, Trường Trung học cơ sở Quang Trung xã Đông, huyện Kbang than vãn: “Vài tuần em mới vào BĐVHX một lần, chủ yếu để tìm sách học tập và xem truyện thiếu nhi, nhưng ít khi tìm thấy sách mới”. Ngay cả những loại sách cần thiết cho người dân như: Sách hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sách hướng dẫn làm kinh tế... cũng rất ít. Tủ sách thưa thớt và cũ kỹ đang là thực trạng chung của hầu hết các BĐVHX. Nhân viên BĐVHX không thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ thư viện, nghiệp vụ văn hóa thông tin cơ sở, trình độ hạn chế. Thậm chí, khi được trang bị hẳn một đường truyền, dịch vụ Internet nhưng bản thân nhân viên BĐVHX lại không biết sử dụng (!).
Lý giải thực trạng trên, ông Phạm Văn Bình- Trưởng phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh Gia Lai cho rằng: “Thực tế sau khi chia tách Bưu chính và Viễn thông, với hiện trạng mạng lưới điểm BĐVHX trên địa bàn Gia Lai như hiện nay thì Bưu điện tỉnh không đủ sức cáng đáng việc nâng cấp để phát triển hệ thống điểm BĐVHX, vì doanh thu trung bình mỗi điểm chỉ khoảng vài chục ngàn đồng, thậm chí nhiều Điểm cả năm không có doanh thu, trong khi đó Bưu điện tỉnh trả lương nhân viên BĐVHX mỗi tháng tối thiểu là 650.000 đồng, chưa kể các chi phí khác để duy trì hoạt động: Tiền điện, nước, trang thiết bị, vật tư, ấn phẩm...
Hiện tại Bưu điện tỉnh chỉ cố gắng chịu bù lỗ để duy trì hoạt động. Do mức thù lao thấp nên khó tìm được người có trình độ, tâm huyết về phục vụ. Bưu điện tỉnh đã chủ động tạo điều kiện cho nhân viên điểm BĐVHX kiêm thêm nhiệm vụ bưu tá xã để thêm phụ cấp, nhưng tổng thu nhập cũng chỉ khoảng 1.350.000đ/tháng. Song thời gian qua, BĐT cũng chỉ mới ghép được 91/163 điểm có nhân viên BĐVHX kiêm bưu tá xã”.
Chị Lưu Thị tuyết- nhân viên điểm BĐVHX Đông, huyện Kbang, Gia Lai cho hay: “Mặc dù Bưu điện huyện có tạo điều kiện nhưng tôi vẫn không thể làm thêm công việc Bưu tá xã vì phụ cấp quá ít ỏi, đến chi phí xăng xe còn không đủ thì nói gì đến tiền công”.
Nắm bắt khó khăn chung, trong tháng 1-2012 Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX. Thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, Hội nghị khẳng định: Điểm BĐVHX sẽ tiếp tục được lựa chọn làm điểm tựa thực hiện các chính sách về nông thôn mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, kết hợp với việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước hướng tới nông thôn, nông dân.
Trong giai đoạn hiện tại, khi mà mô hình điểm BĐVHX của Việt Nam đang gặp khó khăn trong định hướng cũng như hoạt động, bởi nó là một mô hình hoàn toàn mới, được phát triển như một cơ sở thông tin cộng đồng bao gồm nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Đã đến lúc hệ thống điểm BĐVHX rất cần sự chuyển đổi tương ứng trong hoạt động cung cấp dịch vụ cũng như phương thức quản lý theo yêu cầu mới của thị trường và xã hội để vừa kinh doanh có lãi, vừa giữ vững và phát huy được những giá trị xã hội tích cực của nó thông qua việc xã hội hóa hoạt động của điểm BĐVHX.
Thanh Lịch