Dấu hiệu sớm nhận biết có thai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bà bầu thường buồn nôn, căng tức ngực, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi... trong tháng đầu thụ thai.

Bác sĩ Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội gợi ý một số dấu hiệu có thai tháng đầu tiên, để thai phụ có cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

 



Buồn nôn

Một buổi sáng thức giấc, chị em cảm thấy buồn nôn và muốn nôn khan, có thể đã mang thai. Ốm nghén là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh lượng kích thích tố estrogen và progesterone.

Mất kinh

Mất kinh là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất và tương đối tin cậy để chẩn đoán có thai ở những phụ nữ khỏe mạnh. Dấu hiệu này chỉ đúng với người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không cho con bú hoặc không sử dụng một biện pháp tránh thai hormone.

Một số phụ nữ cũng có thể bị mất kinh khi có thay đổi về cân nặng, sang chấn tâm lý, stress, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp...

Mệt mỏi

Đây là dấu hiệu có thai sau một tuần quan hệ nhưng ít người lưu ý. Nhiều chị em cho rằng mệt mỏi do thời tiết thay đổi, áp lực công việc... mà không biết cơ thể đang đau lưng, mệt mỏi vì phải cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang hình thành và phát triển.

Đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt

Dấu hiệu dễ nhận biết khi có thai là đi tiểu nhiều hơn bình thường, số lượng nước tiểu mỗi lần có thể ít hơn. Đây là hiện tượng thường xảy ra trong những tháng đầu do tăng sinh các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên, đè vào bàng quang. Cần phân biệt với nhiễm trùng đường tiết niệu.

Núm vú thay đổi

Những thay đổi ở vú thể hiện rõ với thai phụ con so hơn là con rạ. Vú lớn ra, cảm giác hơi căng và đau, các tĩnh mạch nhỏ nổi lên và nhìn ngay dưới da gọi là hệ thống Haller. Núm vú to ra, nhô cao, tăng sắc tố và nhạy cảm, quầng vú sậm màu.

Thay đổi trong thói quen ăn uống

Có thể cảm nhận sự thay đổi trong sở thích ăn uống để đánh giá khả năng mang thai, chẳng hạn tự nhiên thích ăn một số loại thức ăn trước đây không thích hoặc không thể ăn những loại trước đây rất thích, thèm ăn chua, ăn ngọt hoặc ăn rất nhiều thức ăn, bữa ăn...

Táo bón, đầy hơi

Táo bón và đầy hơi là hai dấu hiệu dễ gặp khi mang thai, xuất hiện thường xuyên cùng sự phát triển của thai kỳ. Nguyên nhân do hormone progesterone tăng cao, tạo ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa thai phụ. Tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, uống đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để hạn chế táo bón, đầy hơi.

Nhạy cảm với mùi

Một số mùi có thể khiến thai phụ cảm thấy khó chịu và buồn nôn như mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn... Sự nhạy cảm này có thể giảm dần sau khi hết 3 tháng đầu thai kỳ.

Chóng mặt

Chóng mặt là dấu hiệu thường gặp khi mang thai. Một số phụ nữ có thể chóng mặt, váng đầu do thiếu máu. Dấu hiệu này xuất hiện ít nhiều, nặng nhẹ tùy vào thể trạng, mức độ thiếu máu của từng người.

Buồn ngủ

Dấu hiệu dễ bỏ qua là buồn ngủ, ngủ gà, ngủ nhiều. Có một số trường hợp lại mất ngủ.

Thân nhiệt thay đổi

Dấu hiệu mang thai tuần đầu thường thấy là nhiệt độ cơ thể người phụ nữ thường tăng nhẹ, lên khoảng 37,5 độ do hormone progesterone tiết ra nhiều. Hiện tượng này tương tự khi đến ngày rụng trứng. Tăng thân nhiệt có thể làm da ẩm ướt, gây rôm sảy ở những nơi có sự ma sát giữa các vùng da nếp gấp.

Theo bác sĩ Thúy, một số chị em khi mang thai có thể có hầu hết các dấu hiệu kể trên, song một số khác chỉ có một hay vài dấu hiệu. Những dấu hiệu trên là không điển hình và cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý khác.

"Nếu nghi ngờ có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và quản lý thai nghén cũng như để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có thể nguy hiểm đến sức khỏe", bác sĩ Thúy khuyến cáo.

 

Lê Phương (VNE)

Có thể bạn quan tâm