Đất không phụ người…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, cùng với niềm hân hoan của những ngày hòa bình, việc bắt tay vào xây dựng lại tỉnh nhà sau chiến tranh là một nhiệm vụ gian khó không kém. Trong hoàn cảnh đó, tại thị xã Pleiku, chính sách vận động người dân đi xây dựng các điểm kinh tế mới đã trở thành một chủ trương lớn được người dân đồng lòng hưởng ứng.

Ông Tô Tử Đông-nguyên Bí thư Thị ủy Pleiku, hồi tưởng: Trước giải phóng, Pleiku là một thị xã chiến tranh, thị xã tiêu thụ, chủ yếu phát triển về dịch vụ chứ không có cơ sở sản xuất gì. Nguồn cung ứng lương thực đa số được vận chuyển từ miền Tây, Sài Gòn, miền Trung lên. Vì thế, sau giải phóng, nguy cơ đói xuất hiện ngay trước mắt. Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng khu 9 (lúc bấy giờ chưa thành lập chính quyền) đã quyết định họp bàn với nhau để lo việc sản xuất. Phương án được chọn là đưa dân nội thị ra vùng ven trồng hoa màu.

 

Một góc TP. Pleiku hôm nay.
Một góc TP. Pleiku hôm nay.

Mở rộng vành đai, biến thị xã chiến tranh thành thị xã sản xuất

Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập năm 1976, do từng có thời gian công tác ở Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Trung ương, với vai trò là Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, ông Tô Tử Đông được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách này.

Từ tháng 3-1976, người dân nội thị Pleiku được vận động giãn dân ra các điểm kinh tế mới ở các vùng ngoại vi, từ đó hình thành các điểm kinh tế mới như: Vườn Mít, Lò Than (nay thuộc xã Diên Phú), Trà Đa (xã Trà Đa), 17-3 (phường Yên Thế), xã Gào, thậm chí chính sách giãn dân còn mở rộng ra Ia Lu (nay là xã Hòa Phú, huyện Chư Pah), Hà Lòng (huyện Đak Đoa), Hà Tam (huyện Mang Yang). Lúc bấy giờ, Pleiku có khoảng 7,5 vạn dân thì có đến 1/3 số dân di cư đến các vùng đất mới. Thanh niên được huy động đi dựng nhà trước, sau đó mới đưa dân ra ở và khai hoang với mục tiêu “Giãn dân đến đâu, trồng cây đến đó” nhằm biến Pleiku thành một thị xã sản xuất. Những vùng đất bị tàn phá tơi bời sau chiến tranh, những đổ nát, hoang tàn và bom đạn còn sót lại… Biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống để cải tạo hiện thực ấy.

Dường như, những hình ảnh, âm thanh rộn rã của những ngày đầy khí thế đó vẫn còn tràn ngập trong tâm trí ông Tô Tử Đông. Với thành công của vụ Đông Xuân đầu tiên sau chiến tranh trên “cánh đồng mẫu” An Phú, “thị xã Pleiku trở thành nơi làm lúa 2 vụ đầu tiên trên đất Tây Nguyên; người dân tộc bản địa ở xã Gào đã biết đào mương dẫn nước từ Hàm Rồng về để làm lúa 2 vụ và họ cũng là những người đầu tiên trên Tây Nguyên biết làm lúa nước, biết sạ, biết cấy…”-ông Tô Tử Đông bồi hồi nhớ lại. Với sự nỗ lực của cả chính quyền và người dân, Pleiku cơ bản tự lực được về lương thực và từ năm 1980 thị xã bắt đầu đi lên bằng nông nghiệp. Cùng với cây lương thực, các vùng ven dần xanh màu cà phê. Nếu như trước năm 1975 thị xã chỉ có khoảng 13 ha cà phê mít thì đến năm 1985 đã có 1.200 ha cà phê vối. Từ năm này trở đi, Pleiku bắt đầu xuất khẩu cà phê.

Trù phú những điểm kinh tế mới

Gần 40 năm qua, với sự ổn định của các điểm kinh tế mới kể trên, các xã, phường đã được hình thành, làm nên diện mạo TP. Pleiku ngày nay với những đổi thay khiến cả những “người trong cuộc” cũng phải ngỡ ngàng.

Xã Diên Phú được thành lập trên cơ sở 2 điểm kinh tế mới Vườn Mít và Lò Than, cũng đã có những biến chuyển không ngờ. Vùng đất lam lũ, nghèo khó ngày ấy với những vườn mít và những người không biết làm gì khác ngoài nghề đốt than đã dần trở nên trù phú. Mới 6 năm trước, đường vào xã tuyền một màu đất đỏ, hẹp và dốc, mùa mưa vẫn khiến nhiều người khóc ròng thì nay đã băng băng đường nhựa. Ông Lê Văn Dũng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Diên Phú, cho biết: Toàn xã có 631 hộ với 2.873 khẩu. Trước 1994, xã có gần 100% hộ nghèo, kể cả… Bí thư, Chủ tịch xã. Vậy nhưng, năm 2011 Diên Phú đã được công nhận xóa nhà tạm và đến cuối năm 2012 không còn hộ nghèo.

Ông Dũng cũng nêu thêm những con số hết sức ấn tượng: Đến nay trên địa bàn xã có khoảng 10 tỷ phú, làm giàu chủ yếu từ cây cà phê, tiêu, cao su. Trung bình mỗi hộ dân ở đây có 1 ha cà phê, thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự đầu tư của UBND TP. Pleiku và sự đóng góp của người dân, đến nay toàn xã có 97% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, 3/6 thôn có nhà văn hóa, điện công cộng thắp sáng hầu hết các trục đường chính, 100% nhà dân được xây dựng kiên cố và đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nếu như những điểm kinh tế mới khác chủ yếu phát triển nông nghiệp thì Hà Lòng tỏ ra thích ứng rất nhanh với điều kiện mới khi phát triển mạnh các dịch vụ như: mua bán, ăn uống, sửa chữa xe máy, máy nổ, làm cửa sắt… Bên cạnh đó, người dân cũng không quên nghề rèn từ những ngày còn ở phường Yên Đổ. Nông nghiệp cũng được chú trọng với lúa, khoai lang, mì, sau này còn trồng xen bời lời lấy vỏ làm nhang, thân bán gỗ. Ông Trương Duy Lộc-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang, huyện Đak Đoa, khẳng định: Hà Lòng (sau này tách ra thành 2 thôn Hà Lòng 1 và Hà Lòng 2) là thôn “đàn anh”, là đầu tàu trong phát triển kinh tế của xã. Mọi dịch vụ đều xuất phát từ Hà Lòng, sau đó mới phát triển đến các thôn khác. Cũng với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay 2 thôn đã có khoảng 70% đường bê tông nội thôn, liên thôn, 100% hộ dân có điện, có trường học và trạm y tế. Người dân 2 thôn này-chiếm khoảng 30% tổng số khẩu trên địa bàn xã-hiện sở hữu khoảng 700 ha cà phê, 40 ha tiêu, 200 ha cao su tiểu điền và vài chục ha bời lời xen canh. Với tính cần cù, chịu khó, họ còn giúp người dân tộc thiểu số trong xã (chiếm gần 40%) trong việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau làm kinh tế, trao đổi mua bán nông sản…

 

Lão nông Vi Văn Châu. Ảnh: P.D
Lão nông Vi Văn Châu. Ảnh: P.D

Đất không phụ người…

Nhân tố chính làm nên sự phát triển và trù phú của những điểm kinh tế mới không ai khác chính là những cư dân nội thị giàu nghị lực, kiên trì bám trụ với đất khó. Ông Vi Văn Châu, thôn 6, xã Diên Phú, là một trong số đó. Tháng 10-1976, từ phường Diên Hồng, ông theo gia đình lên khai hoang lập nghiệp ở điểm kinh tế mới Vườn Mít. Trong khi nhiều người đã bỏ cuộc vì không chịu nổi gian khó thì gia đình ông vẫn quyết tâm bám trụ. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhìn vào cơ ngơi của gia đình ông hiện giờ: 2,5 ha cà phê, 800 trụ tiêu, 4 ha cao su, 2 chiếc ô tô phục vụ sản xuất và đi lại. “Nếu làm giữa chừng bỏ thì không đến đâu. Phải có ý chí và nghị lực, chịu khó học hỏi, mày mò. Nếu cố gắng vươn lên thì sẽ thành công”-lão nông Vi Văn Châu chia sẻ về bí quyết  làm giàu. Ít ai biết rằng, ông từng khăn gói sang tận “thủ phủ cà phê” Buôn Ma Thuột để… làm mướn. “Làm mướn không phải vì quá nghèo, mà vì muốn học cách trồng cà phê, từ trồng trọt đến chăm sóc, bón phân, thu hái ra sao”. Sau 5-6 tháng “học lóm”, ông Châu trở về chuyên tâm với cây cà phê; có thời điểm ông mở rộng diện tích trồng cà phê lên đến 7-8 ha. Với sự thôi thúc phải học hỏi không ngừng, lúc rảnh rỗi ông còn lên mạng tìm hiểu thông tin hoặc dùng email trao đổi kinh nghiệm với những người trồng cà phê.

Trong khi đó, tuy không quá nổi bật trong lĩnh vực làm kinh tế nhưng ông Hồ Văn Ánh, thôn Hà Lòng 1, một trong số hơn 40 gia đình của khối phố 45 phường Yên Đổ xuống lập nghiệp ở Kdang ngày ấy, lại được biết đến như một gia đình hiếu học. Ông có 4 người con, con trai đầu học hết lớp 12 thì đi bộ đội, hiện là Công an viên xã Kdang; con trai thứ 2 là Thạc sĩ ngành Quản lý đất đai, hiện công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku; con gái thứ 3 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, đang công tác tại Đà Nẵng; còn con gái út tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu. Tuy chỉ làm nông, cuộc sống trăm bề vất vả nhưng ông bà vẫn cố gắng vay mượn cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ đây, có lẽ sự thành đạt của con cái chính là “tài sản” quý giá nhất của vợ chồng ông bà sau gần 40 năm rời Pleiku để lập nghiệp trên vùng đất Hà Lòng…

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm