'Đảo bộ đội' ở biển Tây Nam: Trung đội Hòn Từ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hòn Từ là đảo nhỏ có diện tích khoảng 1 km2, cách đảo Thổ Chu khoảng 5 km về phía đông bắc.
Đây là đảo quân sự, không có dân sinh sống, và từ năm 1975 đến nay luôn có 1 trung đội phòng thủ đảo của Trung đoàn 152 (Quân khu 9) đóng trên đó, gọi là Trung đội Hòn Từ.
Tấm khiên phía bắc
Lần thứ 4 ra Thổ Chu, chúng tôi mới sang được Hòn Từ. Mấy lần trước, hoặc do thời gian quá ngắn, hoặc do thời tiết xấu sóng to gió lớn, và tất nhiên có cả lý do “đảo quân sự, cấm mọi đối tượng lên đảo trái phép”.
Đầu giờ chiều một ngày gần cuối năm 2021, trung tá Nguyễn Thừa Hoàng (Phó chính ủy Trung đoàn 152) giục: “Nhanh sang Hòn Từ. Tranh thủ lúc sóng đang giảm cấp”. 20 phút từ Sở Chỉ huy sang bãi Dong, đã thấy chiếc ca nô CQ nổ máy đợi cách bờ cả chục mét, bộ đội Tiểu đoàn 1 ngâm mình dưới biển, chuyển lương thực, thực phẩm bọc bao ni lông, sang Hòn Từ.
Đứng ở bãi Dong nhìn sang, thấy Hòn Từ gần xịch, nhưng chiếc ca nô vòng lượn tránh sóng cả tiếng đồng hồ, mới cập được bến tạm phía đông bắc của đảo. Cả chục chiến sĩ của Trung đội Hòn Từ đợi sẵn, bắt dây và gò lưng kéo, giữ ổn định chiếc ca nô chồm lên thụp xuống theo sóng. Bấm chân lên bậc đá dốc ngược cả trăm mét, là tới trạm gác số 1.
Thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 9) nhớ lại, tháng 5.1975 ông là phó trưởng phòng tác chiến thuộc Bộ Tham mưu Quân khu 9 ra kiểm tra, xây dựng phương án phòng ngự cho đảo Thổ Chu sau giải phóng: Vị trí Hòn Từ rất hiểm yếu, trấn giữ phía đông bắc của đảo Thổ Chu, giống như khiên chắn và nếu mất tấm khiên này, toàn bộ Thổ Chu sẽ bị cắt đứt đường liên lạc - tiếp tế với đất liền. Cũng vì vậy mà trước 30.4.1975, quân lực VNCH đã bố trí 1 trung đội bảo vệ. Ngày 10.5.1975, khi lính Khmer Đỏ đổ bộ chiếm giữ trái phép Thổ Chu, chúng cũng đưa 1 trung đội bộ binh có hỏa lực mạnh sang Hòn Từ, lập tuyến phòng thủ trước hướng tiến công của ta từ Năm Căn, Rạch Giá, Nam Du, Phú Quốc.
Trưa 27.5.1975, sau khi gọi hàng thành công trung đội lính Khmer Đỏ ở đây, thượng úy Võ Hồng Thanh (Tiểu đoàn trưởng 410, Trung đoàn 195) đã lệnh cho 1 trung đội bộ binh chốt giữ ở các trận địa trên đảo Hòn Từ. “Tôi sang kiểm tra, thấy anh em dựng lán tạm dưới gốc cây, cơm ăn thì toàn cá khô mắm kem, nước uống dè sẻn từng bi đông. May bên ấy rừng rậm nguyên sinh, thay nhau đi tìm rau rừng về nấu canh cho đỡ xót ruột”, thiếu tướng Lê Xã Hội kể vậy, và trầm giọng: “Khmer Đỏ luôn rình rập chiếm Hòn Từ, để khống chế cả Thổ Chu”…

Các chiến sĩ thuộc Trung đội Hòn Từ. Ảnh: M.T.H
Các chiến sĩ thuộc Trung đội Hòn Từ. Ảnh: M.T.H
Tiếp tế mỗi tuần 1 lần
46 năm sau ngày thống nhất, những người lính giữ đảo Hòn Từ không còn ở trong lán trại tạm bợ, hết cảnh ăn uống thiếu thốn đơn giản, nhưng sự vất vả nơi tuyến đầu Tổ quốc thì vẫn còn: Không có điện lưới, mỗi buổi tối chạy máy nổ mấy tiếng đồng hồ để có ánh sáng cho bộ đội xem thời sự trên VTV, học tập; doanh trại là 2 dãy nhà cấp 4 xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ 20 đã xuống cấp, cũ kỹ từ vách tường, trần nhà…
Mặc dù chỉ cách đảo lớn Thổ Chu khoảng 5 km, nhưng việc liên lạc bằng điện thoại là vô cùng khó khăn. Đại úy Nguyễn Tấn Sỹ (Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152) kể: “Mỗi khi cần gọi điện thoại, phải lội bộ vài trăm mét ra đúng tảng đá nằm phía đông nam ngay cạnh mép nước. Thiết bị gọi phải là… cục gạch và chỉ dùng sóng Viettel”.
Binh nhất Nguyễn Văn Qui (20 tuổi) nhanh nhảu: “May có các chú sang thăm, nên tụi con được tiếp tế mấy cây đá lạnh”. Ở Hòn Từ, mọi lương thực, thực phẩm đều trông vào nguồn cung cấp từ đảo lớn Thổ Chu. Mỗi tuần 1 lần, ghe hậu cần chở sang từ gạo, muối, rau củ quả, thịt cá cho đến các đồ sinh hoạt thiết yếu. Do không có điện và không thiết bị bảo quản, nên bộ đội nghĩ ra sáng kiến lấy tủ cấp đông cũ đã hỏng, chèn đá cây và bao bì, quần áo cũ… để giữ lạnh thực phẩm.
“Đá cây chỉ lạnh được vài ngày, đến ngày thứ 5 - 6 mà không thay đá là hư hết đồ, lại phải ăn đồ khô và rau củ tăng gia ngoài vườn”, trung sĩ Huỳnh Quang Thiện nói vậy, và khoe: “Trước đây thiếu nước ngọt nên sử dụng luôn tiết kiệm và luôn trông chừng bể chứa vơi đến đâu. Giờ thì khỏi lo về nước vì cấp trên mới xây hồ chứa to bự trên đảo. Tắm giặt đủ nước, rất thích”.
Đêm trên đảo Hòn Từ, chúng tôi tỉnh dậy lần mò trong bóng tối ra nhà vệ sinh, giật mình vì tiếng hô: “Ai? Mật khẩu”. Nhận ra khách, trung sĩ Đinh Như Ý mới hạ nòng khẩu AK, dịu giọng: “Trên đảo rất nhiều rắn lục đuôi đỏ cực độc, các chú đi lại cẩn thận”. Lúc ấy mới nhìn ra chiến sĩ Ý mặc nguyên bộ quần áo mưa, mang ủng đi gác để chống rắn rết tấn công.

Khu mộ vô danh trên đảo Hòn Từ, do bộ đội Trung đoàn 152 lập và chăm sóc
Khu mộ vô danh trên đảo Hòn Từ, do bộ đội Trung đoàn 152 lập và chăm sóc
Gian nan thử sức
Thiếu úy Võ Hải Đăng là Trung đội trưởng Hòn Từ. Đăng năm nay 23 tuổi, quê ở xã Trần Phái, nghèo nhất huyện nghèo Đầm Dơi (Cà Mau) nên rất cương nghị, rắn rỏi. Tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành của Trường đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan Lục quân 2) ở Long Thành (Đồng Nai) tháng 9.2020, Đăng được điều ra Thổ Chu nhận công tác ở Trung đoàn 152, và ngay sau đó sang Hòn Từ làm trung đội trưởng.
Tuổi quá trẻ, mới rời ghế nhà trường, lại đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy toàn diện ở hòn đảo tiền tiêu cấp 1, nên những ngày đầu, thiếu úy Đăng rất bỡ ngỡ. “Mấy chục chiến sĩ sàn sàn tuổi, có người còn hơn tuổi mình (do đi nghĩa vụ quân sự muộn), mỗi người một tính nết, hoàn cảnh… phải hòa đồng gần gũi với tất cả, phải làm bạn với nhau, xong mới làm chỉ huy”, Đăng tâm sự vậy, và cười: “Ở nơi cái gì cũng thiếu này, nếu không gắn bó với nhau bằng tình người, thì không thể tồn tại, hơn nữa là sống với nhau”.

Mũi đá phía đông của đảo Hòn Từ
Mũi đá phía đông của đảo Hòn Từ
“Đảo lớn Thổ Chu đã vất vả, bên Hòn Từ này còn gian nan gấp mấy lần”, đại tá Dương Đình Mười, Trung đoàn trưởng 152, trầm giọng: “Lễ tết, dù bão gió đến mấy, chỉ huy trung đoàn cũng sang thăm, động viên bộ đội. Anh em toàn tuổi 20 như con cháu mình, thời này ở đất liền chẳng thiếu gì, nhưng ra đây làm nhiệm vụ cả năm trời biền biệt trên đảo nhỏ, là nghị lực lắm”.
Tự nhiên chúng tôi lại nhớ buổi sáng hôm ấy trên Hòn Từ, thiếu úy Võ Hải Đăng cùng mấy chiến sĩ cặm cụi thay lá cờ mới. Đăng bảo: “Ngoài này gió, cứ vài bữa là cờ rách, bạc màu. Đảo nhỏ hay lớn cũng là địa đầu Tổ quốc, đã khoác áo lính thì phải quyết giữ gìn”.
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.