(GLO)- Giữa những thanh âm xô bồ, tấp nập của cuộc sống vùng Tây Sơn Thượng, có một người đàn ông tài hoa, dù đã bước sang tuổi 65 vẫn ngày ngày hăng hái và nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Đặc biệt, ông còn lặng lẽ dâng cho đời bao giai điệu vui bằng chính tình yêu âm nhạc vô bờ bến của mình.
Một ngày mùa thu tháng 9, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm trên đường Đỗ Trạc (phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Đón chúng tôi không ai khác chính là nhân vật mà bài viết muốn nhắc đến-nhạc sĩ Trần Anh Tuấn-với một nụ cười hiền tỏa nắng. Dừng lại trước căn phòng rộng chừng 40m2, ông nói vui rằng, đây chính là “kho báu” của cả đời mình. Bên trong bày biện khá nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ vật lưu niệm một thời mà ông cống hiến cho công tác xã hội và giảng dạy. Cây đàn ghi-ta được treo ngay ngắn trên tường. Cạnh đó là chiếc máy tính và vô số nhạc cụ “quây quần” xung quanh để thuận tiện cho việc sáng tác âm nhạc.
Ở cái tuổi 65, nhạc sĩ Trần Anh Tuấn vẫn vẹn nguyên một tình yêu dành cho âm nhạc. Ảnh: Mộc Trà |
Sinh ra tại mảnh đất Lệ Thủy (Quảng Bình), từ nhỏ, nhạc sĩ Trần Anh Tuấn đã mê tít những câu hò, điệu ví quê hương qua lời ru ngọt ngào của mẹ. Rồi đến khi theo gia đình vào tận Gia Lai sinh sống, ông lại dành tình yêu say đắm cho giai điệu cồng chiêng vang vọng đại ngàn. “Không kiềm chế được niềm đam mê, năm 1962, tôi đăng ký vào lớp học nhạc”-nhạc sĩ nhớ lại.
Những tưởng sẽ chẳng dễ dàng gì cho một cậu bé 9 tuổi khi lần đầu tiên tiếp xúc với các loại nhạc cụ. Ấy vậy mà tất cả đều trở nên rất trôi chảy, nhẹ nhàng, thậm chí, chúng còn khiến cho cảm xúc của ông trở nên thăng hoa hơn. Ngoài ghi-ta, Trần Anh Tuấn còn học thêm Mandolin, Acmonica, sáo, tiêu, đàn Organ, Accordion (Phong cầm) và cả Harmonium-một loại nhạc cụ truyền thống và phổ biến của Ấn Độ… Bên cạnh đó, để mở rộng thêm vốn kiến thức âm nhạc của mình, ông thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng do Nhạc viện Quốc gia Hà Nội và Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức.
Có thể nói, việc sử dụng thành thạo 10 loại nhạc cụ khác nhau đã giúp Trần Anh Tuấn thỏa mãn vẫy vùng trong niềm đam mê âm nhạc. Năm 17 tuổi, bài hát “Hương nhớ” ra đời bằng tâm huyết của một nhạc sĩ trẻ và đó cũng là bước ngoặt đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của ông khi nhạc phẩm này được Sở Phối hợp nghệ thuật-Bộ Thông tin cấp giấy phép xuất bản, thu thanh vào tháng 6-1970.
Nhạc sĩ (thứ 3 bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Anh hùng Núp tại Nhạc hội Cồng chiêng Bahnar lần I năm 1988 ở An Khê. Ảnh (chụp lại) : Mộc Trà |
Hòa bình lập lại, ông nhận nhiệm vụ giảng dạy Tiếng Anh tại một trường cấp 2 ở thị xã Pleiku lúc bấy giờ rồi chuyển hẳn về An Khê công tác. Dù vậy, chưa bao giờ ông gác lại đam mê của mình dành cho âm nhạc. 40 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian ông đảm nhiệm các hoạt động văn thể, ngoại khóa của trường và cho ra đời những “đứa con tinh thần” hết sức gần gũi, bình dị liên quan đến giáo dục, nhà trường, đoàn thể với hơn 60 bài hát.
Không dừng lại ở đó, nhạc sĩ Trần Anh Tuấn còn thường xuyên sáng tác các ca khúc phục vụ cho công tác tuyên truyền tại địa phương về đường lối chính sách, Đại hội Đảng; tuyên truyền người dân mua công trái, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội, tham gia BHXH-BHYT, cải cách hành chính; thanh niên với pháp luật... Những giai điệu ấy đã theo các đoàn, đội cơ sở biểu diễn, tham gia các cuộc thi từ cấp thị xã đến toàn tỉnh và gặt hái được nhiều giải thưởng cao. Ngoài ra, những tình khúc quê hương như: “An Khê quê tôi”, “Biển và em”, “Quê hương”, “Đoàn quân thần tốc”… của ông cũng tạo được dấu ấn trong lòng mọi người với ca từ mộc mạc, da diết.
Cố nhạc sĩ Đặng An Nguyên (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) từng nhận xét: Qua số bài hát trong tập ca khúc của Anh Tuấn, tôi rất hoan nghênh tình yêu âm nhạc của tác giả. Nhìn chung ưu điểm của các ca khúc đều có cảm xúc tốt, một số bài có kết cấu âm nhạc tốt, hiệu quả... |
Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Trần Anh Tuấn còn gửi gắm tâm tư qua những vần thơ dạt dào tình cảm. Từ năm 2004 đến nay, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, ông lại dành thời gian để hoàn thiện 1 tập thơ Nguyên tiêu. Ngoài ra, ông còn nhận lời làm giám khảo cho hàng chục hội thi, hội diễn văn hóa-văn nghệ tại các trường học, hội, đoàn thể cấp thị xã lẫn xã, phường. Điều đáng nói, tất cả giấy mời tham gia làm giám khảo đều được ông trân trọng lưu giữ như là kỷ vật trong cuộc đời hoạt động âm nhạc và công hiến cho văn học-nghệ thuật của bản thân. Năm 2002, nhạc sĩ được Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Khê mời tham dự và chọn các ca khúc do 10 nhạc sĩ Trung ương tham dự Trại sáng tác tại An Khê để in đĩa VCD và ra tập sách cho địa phương. “Tôi thấy rằng, khi mình cống hiến được nhiều cho xã hội, mình sẽ tạo được cho bản thân rất nhiều nềm vui trong cuộc sống”-ông chia sẻ.
Gần 50 năm công hiến cho văn hóa-nghệ thuật, hơn 40 năm tham gia công tác xã hội và giảng dạy, ông đã “sưu tập” được cho mình gần chục huy chương vì sự nghiệp giáo dục, công đoàn, thế hệ trẻ, văn hóa, chữ thập đỏ, khuyến học-khuyến tài… cùng rất nhiều thư khen của các cơ quan văn hóa. Hiện ông đang giữ chức Chi hội phó Chi Hội Văn học-Nghệ thuật An Khê; Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai chuyên ngành âm nhạc; Phó Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh thị xã An Khê, Hội viên Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh TP. Pleiku. Và dù công tác ở lĩnh vực gì, bất cứ thời điểm nào, người nghệ sĩ ấy vẫn vẹn nguyên tình yêu của mình dành cho âm nhạc, lặng lẽ góp cho đời những nốt nhạc tươi vui…
Mộc Trà