Dân vào ở hơn 10 năm, nhiều khu tái định cư ở Đắk Nông vẫn không có điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đang có rất nhiều khu tái định cư được đầu tư theo kiểu nửa vời, còn thiếu về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho đời sống nhân dân.

Hạ tầng trong khu tái định cư 23 hecta còn thiếu về vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước mưa... Ảnh: Phan Tuấn

Hạ tầng trong khu tái định cư 23 hecta còn thiếu về vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước mưa... Ảnh: Phan Tuấn

Đầu tư nửa vời

Trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa có nhiều khu tái định cư do nhiều cơ quan, đơn vị chức năng làm chủ đầu tư. Hiện nay, ở các khu tái định cư này đã có nhiều hộ dân vào dựng nhà, sinh sống ổn định nhưng hạ tầng cơ sở thì chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí, nhiều nơi đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Khu tái định cư 23 hecta ở phường Nghĩa Trung đã được xây dựng hơn 10 năm nay. Tại khu tái định cư này có khá nhiều hộ dân xây dựng nhà cửa khang trang, sinh sống ổn định.

Thế nhưng, về cơ sở hạ tầng, đường sá trước đây đầu tư xây dựng khá sơ sài. Các tuyến đường trong khu tái định cư 23 hecta chủ yếu là đường nhựa bán xâm nhập đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp. Hai bên đường cũng không có vỉa hè, cây xanh.

Điều đáng nói, rất nhiều tuyến đường trong khu tái định cư chưa có cống thoát nước mặt. Những đoạn có cống thoát nước hở, không có nắp cống thì bị đất đá vùi lấp. Theo nhiều người dân sinh sống ở khu vực này, việc xây dựng đường thoát nước hở đã làm mất mỹ quan đô thị và không bảo đảm an toàn giao thông trong khu đông dân cư...

Tương tự, hạ tầng ở Khu tái định cư Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư ở phường Nghĩa Tân cũng chẳng khá hơn là bao.

Hiện nhiều tuyến đường trong Khu tái định cư Ngân hàng đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đường sá đi lại trong khu tái định cư không có vỉa hè, hệ thống thoát nước và đèn điện chiếu sáng.

Thế nên, quá trình người dân vào sinh hoạt đã phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Nhất là khi trời mưa, nước chủ yếu thoát qua mặt đường từ chỗ cao chảy về chỗ thấp nên mặt đường bị hư hỏng, ngập úng ở một số chỗ.

Để giải quyết vấn đề điện chiếu sáng, người dân trong khu tái định cư chủ yếu tự kéo điện, lắp bóng đèn ở ngoài đường để phục vụ nhu cầu đi lại vào ban đêm.

"Khu tái định cư ở trong thành phố nhưng hơn 10 năm nay, đường sá thì nhỏ hẹp, không có vỉa hè, cây xanh, cống thoát nước và điện chiếu sáng. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm quan tâm, nâng cấp hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân" - một hộ dân ở Khu tái định cư Ngân hàng cho biết.

Nhiều tuyến đường trong Khu tái định cư Ngân hàng được đầu tư sơ sài, mặt đường khá nhỏ, không có cống thoát nước, vỉa hè... Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều tuyến đường trong Khu tái định cư Ngân hàng được đầu tư sơ sài, mặt đường khá nhỏ, không có cống thoát nước, vỉa hè... Ảnh: Phan Tuấn

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Có nhiều khu tái định cư, do các chủ đầu tư khác nhau như: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Bộ chỉ Huy quân sự tỉnh…

Theo ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa, trước đây, các khu tái định cư do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư nhưng phần hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện.

Hiện vẫn còn nhiều khu tái định cư chưa bàn giao hoặc đã bàn giao một phần về cho thành phố Gia Nghĩa quản lý. Trong thời gian tới, UBND thành phố Gia Nghĩa sẽ xem xét đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các khu vực còn thiếu.

"Do nguồn lực có hạn, việc thu ngân sách còn thấp nên địa phương sẽ xem xét, từng bước đầu tư theo lộ trình về cơ sở hạ tầng còn lại cho các khu tái định cư còn thiếu" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.