(GLO)- Trong 3 năm qua, các cơ quan, đơn vị được Huyện ủy Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phân công theo dõi, giúp đỡ các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những cách làm phù hợp nhằm góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao thu nhập người dân.
Trao “cần câu”
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, anh Đinh Kveo (làng Kruối-Chai, xã Yang Bắc) chia sẻ: “Ngày trước, vợ chồng mình ở trong căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo. Đầu năm 2020, Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ, Văn phòng HĐND-UBND huyện, Hội Nông dân huyện và BIDV Gia Lai tài trợ kinh phí giúp gia đình mình xây được căn nhà khang trang. Mình có thêm động lực để làm ăn phát triển kinh tế. Con cái cũng chăm chỉ học hành”.
Ngoài gia đình anh Kveo, làng Kruối-Chai còn có 7 hộ dân khác được Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ, Văn phòng HĐND-UBND huyện và Hội Nông dân huyện ủng hộ kinh phí mua cây giống, heo đen về nuôi. Đây là sự khích lệ tinh thần không nhỏ để hộ nghèo nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và bảo tồn giống heo của người Bahnar. Trưởng thôn Lê Tấn An phấn khởi chia sẻ: “Làng có 302 hộ, trong đó có 136 gia đình người Bahnar với 68 hộ nghèo. Từ năm 2020 đến nay, với sự giúp đỡ của 3 cơ quan nhà nước, bộ mặt của làng có nhiều chuyển biến. Mọi người không chỉ chăm chỉ làm ăn mà còn tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng”.
Ông Bùi Văn Khánh (bìa phải)-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy trao bò cho hộ nghèo làng Hven, thị trấn Đak Pơ. Ảnh: Thiên Di |
Làng Jro Ktu Đak Yang (xã Yang Bắc) cũng có nhiều khởi sắc sau khi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ, Huyện Đoàn, Văn phòng Huyện ủy và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện. Ngôi làng với người Bahnar chiếm đa số đã từ bỏ nhiều hủ tục. Nhận thức của người dân được nâng lên. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư kinh phí mua sắm máy móc hiện đại về phục vụ sản xuất nông nghiệp và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông Bùi Viết Thính-Chánh Văn phòng Huyện ủy Đak Pơ-cho hay: “Cán bộ, công chức, viên chức của 4 cơ quan được Huyện ủy phân công phụ trách thường xuyên có mặt ở làng để nắm tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua đó, các cơ quan, đơn vị có hình thức giúp đỡ phù hợp. Ngoài tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ quan còn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhà vệ sinh, sửa chữa nhà ở. Năm 2021, chúng tôi đã hỗ trợ 8 con dê giống và 1 con bò sinh sản cho 5 hộ nghèo trong làng. Chúng tôi cũng vừa trao 1 con bò trị giá 10 triệu đồng cho hộ ông Đinh Hnghit để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo”.
Làng Hven (thị trấn Đak Pơ) cũng được Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Thanh tra huyện và Trường Mẫu giáo Hoa Hồng quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ làng với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức người dân, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Chúng tôi thống nhất chọn những hộ khó khăn nhất để hỗ trợ thoát nghèo bền vững và lấy đó làm điển hình để vận động các hộ khác thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Thay vì tặng gạo hoặc cho tiền, chúng tôi hỗ trợ sinh kế bằng tặng bò, dê, hươu. Bằng cách làm này, từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã giúp được 5 hộ thoát nghèo. Dự kiến trong năm 2022, các đơn vị sẽ giúp đỡ 1 đến 2 hộ thoát nghèo và hỗ trợ kinh phí để xây nhà vệ sinh cho 3 hộ dân trong làng”-ông Bùi Văn Khánh-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy-thông tin.
Tín hiệu vui
Đak Pơ hiện có 20 làng đồng bào DTTS được 66 cơ quan, đơn vị theo dõi, giúp đỡ theo sự phân công của Huyện ủy. Các cơ quan được phân công phụ trách làng đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ người DTTS thực hiện mô hình kinh tế hộ nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Làng Hven trở nên khang trang, sạch đẹp sau khi có sự chung tay của các cơ quan được Huyện ủy phân công phụ trách. Ảnh: Thiên Di |
Theo ông Đặng Thành Công-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy: Trước khi triển khai hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết. Trước tiên, tập trung làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS. Cùng với đó là hỗ trợ bà con xây dựng và sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh; tặng cây con giống, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Riêng năm 2021, 66 cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ khoảng 180 triệu đồng để giúp đỡ 20 làng. Cán bộ, công chức, viên chức đóng góp gần 70 triệu đồng để mua cây-con giống hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng kêu gọi nguồn xã hội hóa hơn 80 triệu đồng để xây nhà ở, nhà vệ sinh, san ủi sân bóng ở các làng. Nhờ đó, nhiều hộ DTTS vươn lên thoát nghèo, bộ mặt các làng có những chuyển biến tích cực”-ông Công nói.
Bà Lê Thị Thanh Mai-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Pơ: Để công tác theo dõi, giúp đỡ làng mang lại hiệu quả thiết thực, Huyện ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan; kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt. Thời gian tới, Huyện ủy sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở 66 cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chú trọng hơn nữa việc theo dõi, giúp đỡ để các làng phát triển mạnh về kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. |
THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN