Đak Pơ: Nỗ lực nâng cao thu nhập cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giữ đất sản xuất cho dân, hướng dẫn người dân tiếp cận và xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là cách mà huyện Đak Pơ đang làm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân...

Chuyện làm cánh đồng lớn ở an thành

Người Bahnar trồng mía là chuyện không mới, không lạ. Nhưng với bà con làng Bút (xã An Thành), chuyện làm cánh đồng mía lớn là điều trước đây chưa ai nghĩ tới. Làng Bút có 110 hộ người Bahnar thì hơn 50% thuộc diện chính sách, hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ cây bắp, cây đậu. Lâu nay, bà con ngại làm cây mía bởi vốn đầu tư khá cao, đòi hỏi phân bón, nước tưới đầy đủ và cả kỹ thuật chăm sóc.

 

Cánh đồng mía lớn làng Bút (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: S.C
Cánh đồng mía lớn làng Bút (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: S.C

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi thì mới nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả là quan điểm của lãnh đạo huyện Đak Pơ và xã An Thành khi vào cuộc vận động, thuyết phục bà con làng Bút tham gia làm cánh đồng lớn, chọn cây mía là cây chủ lực để phát triển kinh tế hộ.

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án, ông Trần Văn Định-Phó Chủ tịch UBND xã An Thành, cho biết: Trong năm đầu triển khai cánh đồng lớn tại làng Bút, bà con đã tích cực tham gia trồng mía kịp thời vụ, cây đang sinh trưởng tốt do điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Đối với những hộ có điều kiện, xã vận động đầu tư thêm phân bùn để cây mía phát triển tốt hơn. Đối với xã, việc xây dựng cánh đồng mía lớn liền vùng tại làng Bút là thành công ban đầu khi giúp bà con tiếp cận phương thức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa. Bước tiếp theo là chờ đợi kết quả thu hoạch gắn với vấn đề giá mía cuối niên vụ này.

Theo kế hoạch, năm 2018, xã An Thành sẽ về đích nông thôn mới. Đến nay, xã mới đạt 9/19 tiêu chí. Năm 2017, từ nguồn ngân sách tỉnh phân bổ 455 triệu đồng, xã triển khai xây dựng các tuyến đường bê tông xi măng cho thôn 5, làng Kuk Kôn, làng Kuk Đak. Trong các tiêu chí địa phương chưa đạt thì khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Qua khảo sát thực tế, số hộ nghèo của xã An Thành hiện còn 207/686 hộ (chiếm 30,2%), thu nhập bình quân đầu người đạt 20,92 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu giảm 7-10% số hộ nghèo/năm nhưng đây là chỉ tiêu khá cao.

Chuyển biến phải từ trong dân

Hiện nay, huyện Đak Pơ đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân An,  Hà Tam, Phú An, Cư An. Huyện phấn đấu đến năm 2020 cả 3 xã còn lại là An Thành, Yang Bắc và Ya Hội đều đạt chuẩn nông thôn mới. Đây đều là những địa phương khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, hộ nghèo còn nhiều (từ 28,9% đến  46,58%). Điều này cho thấy, huyện Đak Pơ vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới.

 

Niên vụ 2017-2018, dự án xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản do Nhà máy Đường An Khê thực hiện tại làng Bút (xã An Thành) có diện tích 32 ha với sự tham gia của 22 hộ. Tham gia dự án, bà con được hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất 4 vụ (1 vụ mía tơ, 3 vụ mía lưu gốc), được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng. Theo dự kiến, năng suất mía trồng theo cánh đồng lớn bình quân đạt 100 tấn/ha/vụ; lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha/vụ. Mía thu hoạch được Nhà máy Đường An Khê bao tiêu toàn bộ.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, huyện Đak Pơ xác định đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm để tạo “cú hích” phát triển kinh tế-xã hội, gắn với xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực. Ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, kiêm Phó ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện, thẳng thắn nhìn nhận: Chuyển biến phải từ trong dân. Người dân có việc làm, thu nhập ổn định thì mới nói chuyện nông thôn mới được. Mục tiêu trước mắt của huyện là giữ đất sản xuất cho người dân, hướng dẫn người dân tiếp cận, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cùng địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đơn cử như, Nhà máy Đường An Khê đã đóng góp 20% kinh phí để làm đường bê tông dẫn vào vùng sản xuất nguyên liệu tại làng Bút (xã An Thành), kết nối với công trình đường tràn qua suối do huyện đang gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 tới. Điều này cũng cho thấy, phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại nguồn lợi cho cả nông dân, doanh nghiệp và địa phương, góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới.

Hải Bình

Có thể bạn quan tâm