Đắk Nông: Trồng thứ cây ngước lên toàn thấy trái, nông dân hái đến đâu thương lái xuống tiền "khuân hết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 10 năm được đưa vào trồng ở vùng biên Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), cây mắc ca đã dần khẳng định hiệu quả kinh tế. Nhiều người dân địa phương từng bước mở rộng diện tích mắc ca để tạo nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2012, ông Điểu Toi, ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), được Nhà nước hỗ trợ cho 400 cây giống mắc ca. Ông Điểu Toi trồng xen toàn bộ số mắc ca này trong 2 ha đất rẫy đã trồng cà phê, hồ tiêu.

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của đồng bào xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của đồng bào xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Theo ông Điểu Toi, mắc ca rất phù hợp với điều kiện tự nhiên Quảng Trực. Đây là loại cây ít phải chăm sóc, bón phân. Sau 3 năm, cây bắt đầu đơm hoa, kết quả. Từ năm thứ 5 trở đi, mắc ca bắt đầu trở thành cây cho thu nhập cao trong rẫy.
“Cứ đến mùa là họ vào tận nhà hỏi mua trái mắc ca. Quả hái đến đâu là người ta mua, trả tiền đến đó. Với giá bán trên dưới 100.000 đồng/kg, năm nào mình cũng thu được cả trăm triệu từ mắc ca”, ông Điểu Toi chia sẻ.
Gia đình ông Điểu Toi là một trong số 80 hộ dân ở bon Bu Prăng 1 được hỗ trợ mắc ca giống thời điểm năm 2012. Tùy vào diện tích mà người dân được nhận số lượng mắc ca giống tương ứng.
Phần lớn mắc ca được trồng xen trong rẫy cà phê, hồ tiêu và đang phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định. 
Theo người dân địa phương, cây mắc ca trồng xen có nhiều lợi ích. Cây mắc ca dần to lớn sẽ che chắn gió cho các loại cây khác phát triển, đạt năng suất cao hơn.
Nhờ hiệu quả tích cực, người dân bon Bu Prăng 1 đã liên tục mở rộng diện tích mắc ca. Đồng bào tự tìm hiểu kỹ thuật, tìm mua giống mới. Nhiều hộ dân mạnh dạn trồng thuần, đầu tư khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Chỉ tính bon Bu Prăng 1 có khoảng 130 ha mắc ca trồng xen và trồng thuần.
Không riêng gì bon Bu Prăng 1, rất nhiều đồng bào các dân tộc xã biên giới Quảng Trực đã lựa chọn mắc ca là cây để phát triển kinh tế. Ngoài một số diện tích nông nghiệp, người dân còn trồng mắc ca trên các diện tích liên kết với các đơn vị chủ rừng theo hình thức nông lâm kết hợp.
Qua thống kê của UBND xã Quảng Trực, toàn xã hiện có khoảng 1.300 ha mắc ca trồng xen và trồng thuần. Trong số này, có khoảng 500 ha đang bước vào thời kì kinh doanh. Giá bán mắc ca tại địa phương dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Nguyễn Hải Lý, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của người địa phương. Ở Quảng Trực, mắc ca ra hoa 3 - 4 lần/năm, nhiều hơn so với nơi khác.
Thế nhưng, thời điểm ra hoa sung sức nhất thì bị ảnh hưởng bởi gió quá mạnh, nên khả năng thụ phấn không được cao so với tiềm năng. Do đó, địa phương và ngành chức năng đang tìm cách khắc phục nhược điểm này.
Cây mắc ca không phải chăm sóc nhiều, có khả năng che chắn gió và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đây còn là loại cây góp phần phủ xanh đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng.
"Nếu mỗi hộ gia đình có khoảng 1 ha mắc ca, chúng tôi tin rằng đồng bào sẽ thoát nghèo và từng bước có nguồn thu ổn định”, ông Lý cho hay.
Theo UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), toàn huyện hiện có khoảng 1.600 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở Quảng Trực, Quảng Tâm. Năng suất của loại cây này trung bình đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, nhiều vườn đạt 2,5 tấn/ha.
Mắc ca Tuy Đức được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. So với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương, mắc ca là loại cây trồng mang lại thu nhập khá và có nhiều lợi ích.
Mắc ca không chỉ là cây góp phần giảm nghèo mà là loại cây trồng Tuy Đức hướng tới việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Theo Lê Phước (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm