Đắk Nông: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một trong những sứ mệnh quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận là phát triển cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua việc bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị di sản trong vùng công viên địa chất để phát triển du lịch bền vững.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào tháng 7-2020. Danh hiệu cao quý này không chỉ tạo lợi thế quảng bá hình ảnh của địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung ra thế giới, giúp lưu giữ những giá trị địa chất, đa dạng sinh học và nền văn hóa đa dạng, mà còn tạo đòn bẩy lớn cho ngành du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển.
Người dân cùng tham gia làm du lịch
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được xem là một hướng đi đúng đắn, không chỉ góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch địa phương mà còn đáp ứng được 15/16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Từ đó, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch vừa làm tốt vai trò của một thành viên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, để gìn giữ danh hiệu cao quý này trong những lần tái thẩm định tiếp theo.

Người dân cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông
Người dân cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông
Gắn du lịch cộng đồng với các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh về du lịch của địa phương. Các sản phẩm của loại hình du lịch cộng đồng có thể na ná nhau ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nhưng chỉ khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, du khách mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những dấu tích độc đáo của kiến tạo tự nhiên như hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, điểm gỗ hóa thạch, hóa thạch Cúc đá, điểm tiếp xúc giữa cát kết và dung nham, mỏ nguyên liệu nhôm, mỏ quặng saphia, cánh đồng dung nham… Đồng thời trải nghiệm những nét văn hóa bản địa được bồi đắp nên từ những dòng dung nham núi lửa có niên đại hàng trăm triệu năm.
Du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông sẽ giúp địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt, từ đó từng bước định vị thương hiệu du lịch tỉnh Đắk Nông trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Măt khác, phương pháp tiếp cận và phát triển Công viên địa chất là "bottom up" (tạm dịch là "lấy dân làm gốc") khá tương đồng với các đặc điểm của loại hình du lịch cộng đồng. Vậy nên, khi gắn kết hai mô hình này lại với nhau sẽ tạo ra những tác động tương hỗ, giúp người dân nâng cao nhận thức về các giá trị di sản của công viên địa chất. Cũng từ đó, khơi gợi được niềm tự hào, thúc đẩy động cơ lưu giữ, thực hành và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương nhằm tạo ra những giá trị kinh tế từ hoạt động du lịch.
Chuẩn bị, đón đầu sự trở lại của du khách
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào phát triển các loại hình dịch vụ gắn với du lịch, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong vùng công viên địa chất. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trên cơ sở bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch gắn với công viên địa chất. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài khu vực.
Để du lịch cộng đồng gắn với các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất Đắk Nông phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả thì trong thời gian tới, các huyện, thành phố trong vùng công viên địa chất cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển du lịch gắn với công viên địa chất. Đồng hành và hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra sinh kế từ hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực các điểm đến đã được quy hoạch trên 3 tuyến của công viên địa chất.

Du lịch cộng đồng gắn với các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại xã Ea Po, huyện Cư Jút. Ảnh: Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Du lịch cộng đồng gắn với các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại xã Ea Po, huyện Cư Jút. Ảnh: Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để địa phương chuẩn bị về mặt cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ du lịch trong thời gian tới. Nhu cầu du lịch càng bị nén chặt thì càng có sức bung lớn.
Nhận định về những xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu và hành vi của du khách sẽ có sự thay đổi lớn như tránh xa những nơi đông đúc, tìm về nơi ít người, tìm đến các khu vực thiên nhiên với sự yên tĩnh, không khí trong lành để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe, chữa bệnh. Đồng thời, cũng mong muốn trải nghiệm văn hóa một cách sâu sắc hơn. Chính vì thế, du lịch dựa vào cộng đồng sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, vì loại hình du lịch này hướng đến sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách.
Tận dụng tốt khoảng lặng của ngành du lịch giữa dịch bệnh hiện nay sẽ giúp tỉnh Đắk Nông chuẩn bị những tiền đề phát triển gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đón đầu sự trở lại mới của ngành du lịch.
Bạch Vân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.