Đắk Nông: Nắng như đổ lửa mà trồng bắp cải vẫn cây to bự, cuộn chặt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vài năm trở lại đây, khi giá cả sản phẩm của nhiều loại cây nông nghiệp dài ngày xuống thấp thì các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó có trồng bắp cải đã trở thành cây chủ lực, giúp không ít hộ nông dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.
Trước đây gia đình ông Thái Vĩnh Thạnh, thôn 3, xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) chỉ tập trung trồng và phát triển 2 ha cà phê, hồ tiêu. Những năm gần đây, khi giá cả cà phê, hồ tiêu xuống thấp, ông Thạnh đã chuyển hướng sang phát triển cây ngắn ngày, trong đó có trồng bắp cải để cải thiện thu nhập.
 
Tùy từng thời điểm, cây ngắn ngày, trong đó có trồng bắp cải có thể mang lại nguồn thu nhập từ 40 - 120 triệu đồng cho người nông dân.
Bên cạnh việc duy trì 2 ha cây công nghiệp, ông Thạnh còn thuê đất phát triển thêm 6 ha các loại cây trồng ngắn ngày khác như: khoai lang, bắp cải, cà rốt, khoai tây…Theo ông Thạnh, trung bình mỗi năm, trên 1 ha đất, gia đình ông luân canh cây trồng được 3 vụ.
Tùy thuộc vào giá cả từng thời điểm khác nhau, mỗi một vụ trồng bắp cải, khoai lang… gia đình ông có thu nhập khoảng 40-120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Mỗi năm canh tác 3 vụ, gia đình thu nhập được khoảng 360 triệu đồng.
Ông Thạnh chia sẻ: Với giá cả hiện nay, người trồng hồ tiêu, cà phê vất vả cả năm trời có lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Trong khi đối với cây ngắn ngày, chỉ cần bỏ ra khoảng thời gian chăm sóc từ 2 - 4 tháng đã thu lợi nhuận bằng cả năm của cây công nghiệp dài ngày.
"Hơn nữa, khi trồng cây ngắn ngày, người dân chỉ cần đầu tư khoản tiền nhỏ nhưng lợi nhuận lại khá cao. Nếu một mùa vụ thất bại thì hậu quả cũng không mấy nặng nề. Đặc biệt, trên cùng một diện tích đất, trong một năm người nông dân có thể luân canh phát triển được 3 vụ cây trồng ngắn ngày, góp phần nâng cao thu nhập...", ông Thạnh khẳng định.
 
Trong bối cảnh giá cả sản phẩm cây công nghiệp dài ngày liên tục sụt giảm, người nông dân đã chuyển hướng sang phát triển cây ngắn ngày để cải thiện thu nhập. Ruộng bắp cải được lắp đặt hệ thống tưới tự động.
Chỉ với 5 sào đất ruộng trồng cà chua, mướp, dưa leo, đậu ve… gia đình anh Vũ Văn Chiến, cũng ở xã Đắk Búk So, đã vượt qua được đói nghèo. Những năm gần đây, cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, gia đình anh Chiến tính ngay tới việc luân canh cây trồng để trong vườn lúc nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường.
Sau đó, anh Chiến đã tiến hành tăng vụ bằng cách khi lứa cây trồng này gần đến thời kỳ thu hoạch thì chị gieo trồng luôn lứa mới. Sau khi chuẩn bị thu hoạch xong lứa trước thì lứa cây trồng mới cũng đã bắt đầu phát triển. Điều này giúp anh tiết kiệm thời gian, tranh thủ được ngày công lao động và duy trì thu nhập liên tục.
Anh Chiến cho biết: Khi trồng cây ngắn ngày, người nông dân không được phép cho mình thời gian rảnh rỗi mà phải thường xuyên bám đồng, bám ruộng để theo dõi sự phát triển của cây trồng, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Với 5 sào đất nhưng thời điểm nào trong vườn của gia đình tôi cũng có rau, củ, quả… để bán ra thị trường.
"Nhờ cây trồng ngắn ngày, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập được trên 250 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, những năm qua, gia đình tôi đã tiết kiệm mua thêm được 3 ha đất. Diện tích đất này gia đình đã phát triển các loại cây ăn trái xen canh với cây ngắn ngày để nâng cao thu nhập...", anh Chiến nói.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cũng thường xuyên động viên người dân luân canh, xen canh cây trồng ngắn ngày để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, nếu tập trung sản xuất cây ngắn ngày không có kế hoạch, kiểm soát đầu ra thì cũng khó tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Vì vậy,  ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp để hạn chế tình trạng không có đầu ra đối với cây trồng ngắn ngày.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn phát triển được khoảng 4.500 ha cây hoa màu bao gồm các loại như: khoai lang, bắp cải, cà chua, đậu ve, ớt cay… Trong bối cảnh cây công nghiệp dài ngày đang gặp khó về giá cả thì cây trồng ngắn ngày đã và đang bù đắp khó khăn cho người nông dân. Vài năm trở lại đây, tùy từng thời điểm giá cả khác nhau, 1 ha đất sản xuất cây ngắn ngày mang lại cho người dân mức thu nhập tầm 40-120 triệu đồng/vụ.

Dân Việt (Theo Ngọc Lê/Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.