Kbang: Nắng hạn gây thiệt hại nặng nề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng hạn kéo dài đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại một số xã phía Nam và Tây Nam của huyện Kbang. Nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nề đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở một số xã trên địa bàn.
Mía cháy, mì không ra củ
Đứng giữa rẫy mì hơn 6 sào trồng từ tháng 11 năm ngoái nhưng đến nay cây mới cao chỉ quá đầu gối, bà Trần Thị Hoa (thôn 1, xã Đak Hlơ) cho biết: Tầm này mọi năm, gia đình bà đã chuẩn bị thu hoạch mì. Nhưng năm nay, nắng hạn kéo dài khiến cây mì không lớn nổi. Không những thất thu do mì không ra củ, gia đình bà còn tốn công nhổ bỏ để lấy đất trồng lại. Bà Hoa nhẩm tính, mỗi sào mì cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, coi như vụ này gia đình bà mất gần 20 triệu đồng. Chưa hết, hơn 1,4 ha mía của gia đình bà cũng đứng trước nguy cơ mất trắng vì khô hạn. “Từ tháng 4 đến nay không có giọt mưa nào. Bụi mía 10 cây thì đã có 5-6 cây khô đọt, giờ có mưa xuống cũng không cứu nổi. Cắt cho bò ăn, bò cũng chê vì mía cháy bị khô, cứng”-bà Hoa nói.
  Nhiều diện tích mía của người dân trên địa bàn xã Đak Hlơ bị cháy,  kém phát triển vì nắng hạn. Ảnh: M.N
Nhiều diện tích mía của người dân trên địa bàn xã Đak Hlơ bị cháy, kém phát triển vì nắng hạn. Ảnh: M.N
Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-cho biết: Toàn xã có 780 hộ dân thì có đến 620 hộ bị thiệt hại nặng do nắng hạn. Trong đó, 52/78 ha lúa, 101/162 ha rau màu, bắp, 392/1.438 ha mía bị thiệt hại trên 70%; diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 30% đến 70% và đang có nguy cơ tăng lên nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài. “Mọi năm, đến thời điểm này, mía xanh mơn mởn, cây cao gần 2 m. Khoảng tháng 10, người dân đã bắt đầu thu hoạch. Nhưng năm nay, hầu hết diện tích mía đều vàng cháy vì nắng hạn. Nắng hạn khiến mía không phát triển nổi, hoa màu cũng không canh tác được”-ông Phích nêu thực trạng.
Dọc theo con đường bê tông từ xã Nghĩa An qua địa bàn các xã Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng là hình ảnh những rẫy mía còi cọc, thấp lè tè, vàng cháy trên những thửa đất khô cằn vì nắng hạn. Ông Đinh Já (làng Groi, xã Kông Pla) than thở: “1,2 ha mía của tôi vụ này coi như mất trắng. Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong làng chỉ biết xót xa mà không có cách gì cứu vãn. Một số gia đình đã cắt mía cho bò ăn thay cỏ”.
Đánh giá về tình hình nắng hạn trên địa bàn, ông Trần Văn Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Pla-cho biết: Vụ mùa năm nay, nông dân trong xã gieo trồng được 3.301,6 ha, đạt 97,53% kế hoạch. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đang bị nắng hạn đe dọa, trong đó có 2.203 ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ mất trắng. Đáng chú ý là toàn bộ 287 ha lúa nước đã bị thiệt hại hoàn toàn; 175 ha/255 ha bắp bị khô héo không còn khả năng cho thu hoạch. Nghiêm trọng hơn, 104 ha/285 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, số còn lại bị ảnh hưởng nắng hạn, ước thiệt hại hơn 9 tỷ đồng. Gần 1.400 ha mía đang trong thời kỳ sinh trưởng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, tổn thất đầu tư niên vụ 2019-2020 ước tính 28 tỷ đồng và nguồn lợi thất thu khoảng trên 42 tỷ đồng. Ngoài ra, nắng hạn còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại cây trồng khác và đàn gia súc, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra nếu trời tiếp tục không mưa.
Theo ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, nắng hạn dài kéo từ cuối năm 2018 đến nay khiến mực nước ngầm xuống thấp; hồ chứa không đảm bảo nước tưới. Vụ Đông Xuân 2018-2019, các xã Nghĩa An, Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Sơ Pai và xã Đông có gần 650 ha cây trồng bị thiệt hại. Đến vụ mùa này, nhiều xã tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nắng hạn. Ngoài ra, một số dịch bệnh xảy ra trên cây mía, mì và bắp khiến người dân càng thêm khó khăn.
Ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM
Theo ông Trần Văn Sơn, xã Kông Pla hiện chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí NTM. Năm nay, xã phấn đấu hoàn thành thêm 5 tiêu chí. Tuy nhiên, cuộc sống người dân bị tác động nặng nề bởi nắng hạn làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các tiêu chí NTM. Cụ thể, xã dự kiến giảm 43 hộ nghèo (tương đương 5%); nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 26,4 triệu đồng/năm lên trên 30 triệu đồng/năm nhưng với tình hình hiện nay thì rất khó đạt. “Người dân sống chủ yếu dựa vào cây mía nhưng do mất mùa nên không có nguồn thu nhập, không có tiền sửa chữa nhà ở và đóng góp xây dựng NTM. Giờ địa phương chỉ biết vận động người dân chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này”-ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng Nguyễn Văn Bắc, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Hiện thu nhập của người dân chỉ trông chờ vào cây mì nhưng qua kiểm tra, mì bị hạn không có củ, không phát triển nên dễ xảy ra tình trạng đói cục bộ. Tiến độ thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM của xã theo đó cũng bị ảnh hưởng. Tiêu chí nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo sẽ khó đạt trong năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện là 18,61% (tương đương 212 hộ), để giảm xuống còn 7% trong năm tới là không khả thi. Việc nâng mức thu nhập của người dân trong thời điểm này cũng là điều không thể.
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-nhận định: Thiệt hại do nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng nhiều mặt đến địa phương, nhất là tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM. Trước mắt, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân do nắng nóng kéo dài, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán xảy ra trên địa bàn nhằm điều tiết kế hoạch gieo trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các phương án chống hạn.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.