Đắk Nông: Công trình gần 10 tỷ đồng chỉ cấp nước cho… 35 hộ dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù được đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng, cộng thêm hàng trăm triệu tiền sửa chữa nhưng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, Đắk Nông) chỉ phục vụ được 35 hộ dân.
Đầu tư cho hàng ngàn dân, chỉ 35 hộ dùng
Năm 2014, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành (xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được khởi công xây dựng với quy mô 7,2 tỷ đồng, cấp nước cho gần 520 hộ dân.
 
Dù đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng nhưng công trình này chỉ phục vụ cho 35 hộ dân.
Sau đó, qua một số lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư cho công trình này tăng lên hơn 9 tỷ đồng. Mặc dù vậy, số hộ dân được cấp nước lại phải giảm đi gần một nửa so với thiết kế ban đầu.  
Năm 2015, công trình được đưa vào sử dụng và vận hành tương đối ổn định trong thời gian còn bảo hành. Sau khoảng 1 năm sử dụng, công trình này bắt đầu hư hỏng. Từ giếng khoan, hệ thống điện, đường ống dẫn nước lên bồn chứa, bồn chứa, đài chứa nước và cả hệ thống ống dẫn nước đến nhà dân đều có vấn đề.
Do vậy từ cuối năm 2016, công trình chỉ hoạt đông cầm chừng và gần như đắp chiếu. Việc này khiến nhiều hạng mục vốn đã hư hỏng lại càng xuống cấp nặng nề. Theo Ban quản lý các dự án huyện Đắk Song (đơn vị được giao quản lý đầu tư, xây dựng công trình cấp nước tập trung tại xã Thuận Hạnh), hiện chỉ có 35 hộ đang sử dụng nước từ công trình.
Sửa xong đã hỏng liền tay
Tháng 7.2018, sau khi gần như đắp chiếu, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song có tờ trình gửi UBND huyện Đắk Song đề xuất phương án sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên. Sau khi rà soát, xác định hiện trạng, Ban đề xuất sửa chữa một số hạng mục với tổng kinh phí dự kiến là 300 triệu đồng.
 
Sau khi đưa vào sử dụng không lâu, đài nước này đã hư hỏng phải sửa chữa.
Gần một tháng sau, UBND huyện Đắk Song đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho việc sửa chữa công trình này với tổng kinh phí gần 550 triệu đồng. Trong đó, tổng chi phí xây dựng là 470 triệu đồng.
Mặc dù đã mất đến gần 10 tỷ đồng nhưng theo một lãnh đạo xã Thuận Hạnh, hơn 1 tháng nay công trình này tiếp tục ngưng hoạt động. Trước đó, sau khi sửa chữa xong, công trình cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song, nguyên nhân khiến công trình này phải ngưng hoạt động là do một số giếng khoan đã bị cạn nước. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn còn 3 giếng khoan dự phòng chưa được khai thác. Do đó công trình chưa "chết" mà vẫn còn có thể khai thác sử dụng sau khi đấu nối thêm ống dẫn nước từ các giếng khoan dự phòng tới đài nước. Vấn đề còn lại nằm ở nhu cầu thực tế của người dân.
Bà Đoàn Thị Tốt - Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết, hiện công trình này thu không bù được chi nên không có đơn vị nào nhận quản lý vận hành. Xã đang phải bù lỗ tiền điện hàng tháng nên rất khó khăn. Hiện xã vẫn không có phương án nào để đảm bảo cho công trình hoạt động hiệu quả. "Chúng tôi đang đề xuất huyện bù lỗ tiền điện để công trình hoạt động ổn định rồi mới tính tiếp, chứ bây giờ cũng không biết khắc phục làm sao"- bà Tốt nói. 
Chiều 5/6, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phò - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết huyện đã giao cho Ban quản lý các dự án huyện kiểm tra, đề xuất biện pháp khắc phục nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nói về việc xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan khi để công trình "đắp chiếu" suốt một thời gian dài, gây lãng phí tiền của nhà nước, ông Phò nói: "Chúng tôi sẽ kiểm tra, xem xét lại vấn đề này".
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.