Đắk Nông: Công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil.

Đây là vùng cà phê công nghệ cao đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Chuyên gia nước ngoài tham quan vườn cà phê của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An. Ảnh tư liệu: baodaknong
Chuyên gia nước ngoài tham quan vườn cà phê của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An. Ảnh tư liệu: baodaknong

Cụ thể, vùng sản xuất có tổng diện tích 335 ha với 186 hộ nông dân ở các thôn Thuận Hạnh, Đức An và 1 tổ chức (Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An). Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường; trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2020.

Theo UBND huyện Đắk Mil, thời gian qua, người dân nơi đây đã thực hiện các biện pháp như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tự động, bán tự động để tưới nước cho cây cà phê; quả cà phê được thu hái khi chín trên 85%; sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến chế biến sau thu hoạch; môi trường sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng…

Nhờ áp dụng công nghệ, năng suất cà phê ứng dụng công nghệ cao bình quân cao hơn cà phê thông thường từ 10-30%. Bên cạnh đó, hạt cà phê Thuận An được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm…


Huyện Đắk Mil hiện có hơn 20.000 ha cà phê, trong đó hơn 1.410 ha sản xuất theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade. Hiện, cà phê Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An là 1 trong 7 sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia nằm trong chương trình hỗ trợ, kết nối nông sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức.

Năm 2021, tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô (Đắk Nông) và 2 vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Đây là những cố gắng của tỉnh trong việc thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Với mục tiêu là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.


Nguyên Dung (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.