Đắk Nông chỉ đạo xử lý hành vi tiêu thụ, chế biến khoáng sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau phản ánh của TTXVN, UBND huyện Đắk R’lấp đã chỉ đạo xác minh, xử lý thông tin về hoạt động cắt xẻ, chế biến đá bazan dạng cột tại một công ty trên địa bàn và đánh giá tác động tới môi trường.

Xe cẩu bốc đá lên xe đầu kéo mang biển kiểm soát 77C-17399 (kéo theo rơ-mooc 77R-02603). (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Xe cẩu bốc đá lên xe đầu kéo mang biển kiểm soát 77C-17399 (kéo theo rơ-mooc 77R-02603). (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Sau phản ánh của TTXVN về việc cắt xẻ, gia công đá bazan dạng cột tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Trường Huy Đắk Nông (trụ sở tại thôn 6, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) khi chưa có đánh giá tác động môi trường, ngày 22/9, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’lấp xác nhận đã giao các cơ quan chức năng huyện vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’lấp chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp với Công an huyện tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin về hoạt động cắt xẻ, chế biến đá bazan dạng cột tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Trường Huy Đắk Nông, cũng như các vấn đề liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn, nước thải, bụi bẩn ra môi trường... Nếu chưa đảm bảo yếu tố môi trường, huyện sẽ yêu cầu tạm ngưng hoạt động và xử lý nghiêm các vấn đề liên quan theo đúng quy định pháp luật.
Theo phản ánh của một số hộ dân thôn 6, xã Kiến Thành, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Trường Huy Đắk Nông gây ô nhiễm khi cắt xẻ, gia công đá bazan dạng cột. Xưởng cắt xẻ đá của đơn vị này còn là “điểm đến” của nhiều xe đá khai thác trái phép tại một số mỏ, điểm mỏ khu vực lân cận.
Trong nhiều tháng nay, mỗi ngày đều có 1-2 xe ben tải trọng lớn chở đá vào xưởng cắt xẻ đá của Công ty. Hàng hóa trên xe là đá bazan đường kính phổ biến từ 50-60cm, chiều dài từ 1-3m.
Hầu hết, các xe đều chở quá tải, quá khổ nên thường vận chuyển hàng hóa và dừng xe bên trong xưởng vào lúc 3-4 giờ sáng để “qua mắt” các cơ quan chức năng.
“Xe chạy về rồi đỗ tại đó, sáng hôm sau mới đổ hàng xuống. Vì đổ giữa khuya, tiếng động phát ra rất lớn, ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh,” một người dân giấu tên cho biết.
Theo hình ảnh người dân cung cấp và phóng viên ghi lại được, trong các ngày cuối tháng 8 đến nay, các xe ben biển kiểm soát 48C-058.22 và 48L-1750; xe đầu kéo mang biển kiểm soát 77C-173.99 (kéo theo rơ-mooc 77R-026.03) thường xuyên chở đá bazan vào xưởng cắt xẻ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Trường Huy Đắk Nông. Trong đó, nhiều xe đá khai thác trái phép tại mỏ đá thôn 7 và thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông (cách trụ sở Công ty này khoảng 5km).
Ngày 22/9, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Nông xác nhận, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra và ghi nhận tình trạng khai thác đá bazan dạng cột tại hai xã Nhân Cơ, Nhân Đạo (đều thuộc huyện Đắk R’lấp).Tại các điểm này, ngành chức năng ghi nhận hàng trăm khối đá ở hiện trường cùng nhiều máy móc phục vụ quá trình khai thác.

Xe cẩu bốc đá bazan dạng cột từ điểm khai thác trái phép tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Xe cẩu bốc đá bazan dạng cột từ điểm khai thác trái phép tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng khai thác đá trái phép; đồng thời mạnh tay ngăn chặn các hoạt động khai thác, tận thu, vận chuyển đá bazan dạng cột trái phép đi tiêu thụ.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cũng nhận định, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Đắk R’lấp diễn ra phức tạp, kéo dài, nhưng địa phương chưa kịp thời báo cáo và ngăn chặn.
Sở cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’Lấp tăng cường quản lý khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, yêu cầu người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Đây cũng là quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 17, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010.
Theo Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, các loại tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đá bazan dạng cột (trụ) được tính ở mức 1,5 triệu đồng/m3, trong khi đá làm các loại vật liệu xây dựng thông thường chỉ ở mức khoảng 110 nghìn đồng/m3. Đây là cơ sở để tính thuế tài nguyên và làm cơ sở để xác định giá theo quy định của pháp luật.
Việc nhiều xe chở đá bazan dạng cột bị khai thác trái phép đưa vào cắt xẻ, chế biến tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Trường Huy Đắk Nông đang gây thất thu ngân sách nhà nước cũng như kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh-trật tự, quản lý tài nguyên tại địa phương.
Hưng Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.