Đắk Lắk: Xử lý mạnh kinh doanh phân bón không rõ nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian gần đây tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân...

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Ảnh: T.X
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Ảnh: T.X
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk: Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã xử lý 21 vụ vi phạm, phạt hành chính với tiền hàng trăm triệu đồng.
Các hành vi vi phạm tập trung ở các nội dung không duy trì đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tại Đắk Lắk, các hoạt động sản xuất, buôn bán trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh khu vực sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nguồn nước và nền an ninh nông nghiệp nói chung.
Nghiêm trọng hơn mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu không đảm bảo chất lượng.
Đơn cử, tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk nắm tình hình đã kiểm tra đột xuất một ôtô và kho hàng của Công ty TNHH XNK Thịnh Phát (thôn 8, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột) do một người tên H.T.Đ làm giám đốc.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện, ông Đ sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất phân bón rồi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ, ghi nơi sản xuất trên bao bì là “made in USA". Tổng khối lượng hàng lên tới hơn 100 tấn, với trị giá khoảng trên 1,5 tỉ đồng. 
Đáng chú ý, dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón nhưng Đ vẫn đăng ký thành lập công ty nói trên (trụ sở chính ở TPHCM).
Tiếp đó, Đ mua phân bón không rõ nguồn gốc ở các tỉnh ĐBSCL rồi đem về đấu trộn, đóng gói, mang phân phối ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với số lượng lớn nhưng không khai báo doanh thu lẫn thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hiện, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk đã Quyết định Khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với H.T.Đ. về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình phương thức, thủ đoạn hoạt động các doanh nghiệp cơ sở làm ăn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua đó, đơn vị xây dựng phương án kiểm tra kiểm soát; thường xuyên kiểm tra thủ tục hành chính, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, làm tốt công tác xây dựng cơ sở báo tin để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm từ khâu sản xuất, vận chuyển đến khâu lưu thông phân phối trên thị trường".
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, buôn bán các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Chủ tịch UBND tỉnh sớm chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thẩm quyền theo dõi chặt chẽ, thường xuyên xác minh, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để tình trạng vận chuyển, sản xuất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên thị trường, từ đó hạn chế thiệt hại cho nông dân. 
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm