Đắk Lắk: "Thủ phủ" bơ đặc sản liên tục mất mùa, người dân lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk được xem là “thủ phủ” của cây bơ với trên 4.500 ha, sản lượng mỗi vụ khoảng 38.000 tấn, trong đó, bơ Booth chiếm 2.100 ha, sản lượng trên 20.000 tấn.
Bơ Booth có xuất xứ từ Mỹ được đưa về Việt Nam trồng khoảng chục năm trở lại đây và nhanh chóng trở thành loại bơ đặc sản, rất được người tiêu dùng ưu chuộng.
Bơ Booth thường chín muộn hơn các giống bơ khác khoảng 2 tháng nên sẽ có giá cao hơn. Ban đầu rất được giá nhưng hiện tại giá sụt thê thảm vì cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, thời tiết biến đổi bất thường, khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều diện tích bơ Booth ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung phải đối mặt với nguy cơ mất trắng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
 
Bơ Booth đặc sản từng giúp nhiều người dân Tây Nguyên thoát nghèo, nhưng mấy năm nay liên tục mất mùa khiến người dân lo lắng (Ảnh: TL)
Thị xã Buôn Hồ được xem là nơi trồng bơ Booth nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk. Địa phương này hiện có khoảng 1.309 ha cây ăn trái các loại, trong đó có khoảng 863 ha bơ.
Bơ Booth là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nên được người dân trồng xen canh trong vườn cà phê, tiêu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, thời tiết thất thường, bơ mất mùa liên tiếp khiến người dân không khỏi lo lắng, nhất là sợ lại rơi vào vòng luẩn quẩn như các loại cây trồng khác.
Ông Bốn Tự (ở phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ), người đã gắn bó với cây bơ Booth hơn 5 năm nay, cho biết, năm 2014, do thấy vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp nên ông đã phá bỏ 5ha để trồng bơ Booth. Mấy năm đầu, bơ trúng mùa, được giá nên thu nhập khá.
“Tuy nhiên, 2 năm gần đây, cứ đến kỳ bơ ra hoa, thụ phấn thì gặp cơn mưa đầu mùa khiến hoa rụng trắng gốc, chỉ còn trơ trọi cuống. Do trồng với diện tích nhiều và là cây trồng chủ lực của gia đình nên tổn thất rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình”, ông Tự lo lắng.
 
Bơ Booth quả to, cùi dày, béo, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng hết sức ưu chuộng (Ảnh: TL)
Gia đình bà Nguyễn Thị Cảnh (ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) cũng không khá hơn khi 800 cây bơ Booth cũng đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Năm 2011, gia đình bà chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng bơ. Năm 2015, vườn bơ thu được 21 tấn, lãi 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ năm 2018, 2019 bơ lại mất mùa, thất thu.
Trao đổi với PV, đại diện Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ, cho biết, do biến đổi khí hậu, 2-3 năm trở lại đây bơ Booth tại địa phương liên tục mất mùa, các phường Đạt Hiếu, An Bình, Thiện An… bị ảnh hưởng của cơn mưa đầu mùa nên hầu hết đều thất thu, một số xã cho trái sớm tỷ lệ đậu chỉ khoảng 20-30%. Riêng năm nay, nguy cơ bơ mất mùa nặng nhất so với các năm trước.
“Trước nguy cơ năm nay bơ hầu như mất mùa hoàn toàn, gây thiệt hại rất lớn cho người dân, các xã, phường đã kiến nghị cấp trên có hướng hỗ trợ bà con ổn định sản xuất”, đại diện Hội nông dân thị xã Buôn Hồ chia sẻ.
Lâm Đồng: Sầu riêng đầu mùa được giá
Nửa tháng nay, người dân “thủ phủ sầu riêng” Đạ Huoai (Lâm Đồng) bắt đầu bước vào thu hoạch sầu riêng chín bói đầu mùa.
Theo ghi nhận, hiện tại, giá sầu riêng ghép các giống Thái Lan được thương lái thu mua tại vườn có giá cao hơn năm ngoài từ 4.000 - 7.000đ/kg. Cụ thể: Sầu riêng Đô Na (giao động từ 57 - 60 ngàn đồng/kg), Ri6 (từ 38 - 42 ngàn đồng/kg) và sầu riêng hạt các loại có giá từ 20 - 25 ngàn đồng/kg.
Năm 2019, Đạ Huoai có khoảng 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch, với tổng sản lượng ước tính đạt trên 30.000 tấn. Trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan như (Mong Thong, Đô Na và Ri6) chiếm khoảng 90% diện tích sầu riêng của toàn huyện.

Viên Hữu (DNVN )

Có thể bạn quan tâm