Đắk Lắk sửa đổi và bổ sung một số chính sách bảo tồn voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại tỉnh, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi.

Voi nhà tìm kiếm thức ăn trong rừng. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Voi nhà tìm kiếm thức ăn trong rừng. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 3 ngày 8-10/12 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi.
Nghị quyết đã sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi. Cụ thể, Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản (hỗ trợ chủ voi trong quá trình sinh sản của voi); hỗ trợ cho nài voi (người chăm, điều khiển voi) trong quá trình sinh sản của voi, thời gian hỗ trợ 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực...
Nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người tại Đắk Lắk, những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm.
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất hợp pháp trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công được hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại và 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do voi gây ra, được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỷ lệ sức khỏe bị tổn thương.
Trường hợp thiệt hại về tính mạng, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với người lao động trong các cơ quan nhà nước bị tai nạn lao động tử vong… Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để hỗ trợ cho chủ voi là tổ chức, hộ gia đình không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại cho Trung tâm bảo tồn voi.
Ngoài ra, Đắk Lắk dùng ngân sách tỉnh cùng với các nguồn tài trợ khác hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi.
Theo thống kê, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện nay còn 44 cá thể, gồm 19 voi đực và 25 voi cái, đều đã được gắn chíp điện tử từ năm 2017. Về voi hoang dã, số lượng cá thể ổn định khoảng 5 đàn, gồm 80-100 cá thể.
Sau khi Nghị quyết 78 ngày 21/12/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh được ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ từ công tác tuyên truyền phổ biến đến việc thể chế hóa để thực hiện Nghị quyết. Các chính sách trong Nghị quyết đã được các cấp, ngành và cán bộ, nhân dân ủng hộ, triển khai hiệu quả. Công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk đã đạt được những kết quả rõ nét. Đàn voi nhà đã được chăm sóc thú y tốt hơn, đang nghiên cứu sinh sản theo con đường tự nhiên. Voi hoang dã có cơ cấu bầy đàn đầy đủ, khả năng phát triển quần thể tốt.
Theo đại biểu Y Si Thắt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi từ năm 2011 nhằm bảo tồn, phát triển đàn voi như một số nước Đông Nam Á đang thực hiện.
Hiện nay, do thu hẹp môi trường sống và các vấn đề khác, số lượng voi nhà, voi hoang dã bị sụt giảm, có nguy cơ biến mất trong 2-3 thập kỷ tới. Do đó, việc ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm bảo tồn số lượng voi hiện có, phát triển đàn voi thông qua hình thức sinh sản trong môi trường tự nhiên và khu chăn nuôi.
Để chính sách đi vào cuộc sống, thực sự hiệu quả cần đánh giá hiệu quả của Trung tâm bảo tồn voi và đề ra giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn nhằm bảo tồn, phát triển số lượng voi theo yêu cầu, mục đích đề ra.
Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.