Đắk Lắk: Người dân ngăn cản công ty khai thác cát vì lo ngại sạt lở bờ sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi Công ty Ngọc Hùng tiến hành khai thác cát, người dân thôn 1, 2 xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp phản đối, cản trở hoạt động vận chuyển cát của doanh nghiệp.
Người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông lo ngại việc khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở và đất canh tác ven sông Krông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông lo ngại việc khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở và đất canh tác ven sông Krông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phong, huyện Krông Bông liên tiếp tập trung phản đối việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk khai thác cát trên sông Krông Bông vì lo ngại sẽ gây sạt lở bờ sông khu vực đang sinh sống, canh tác.

Dù chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, đối thoại nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Do đó, Ủy ban Nhân dân huyện đang quyết liệt vào cuộc để giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền lợi của nhân dân và doanh nghiệp, tránh hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn.

Nỗi lo của dân

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk (Công ty Ngọc Hùng) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy phép số 71/GP-UBND ngày 15/8/2016, cho phép khai thác cát lòng sông Krông Bông ở 3 khu vực, tổng chiều dài là 15,94km, thời gian khai thác 14 năm 6 tháng.

Vị trí khai thác cách bờ sông tối thiểu 4m; chiều sâu khai thác tối đa là 2,1m; thời gian hoạt động từ 7 giờ đến 17 giờ (không tính thời gian vận chuyển); đoạn sông cấm khai thác, tàu có thể vận chuyển.

Công ty đã ký hợp đồng thuê đất để sử dụng làm bãi tập kết cát tại thôn 2, xã Hòa Phong. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông, dù Công ty Ngọc Hùng được cấp phép từ năm 2016 nhưng do hồ sơ chưa đầy đủ nên đến ngày 10/4/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2984/UBND-NNMT cho phép công ty hoạt động khai thác cát (đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật).

Theo hồ sơ, công ty được phép sử dụng 4 tàu hoặc bè để tiến hành khai thác. Từ tháng 4/2024, công ty chỉ mới sử dụng một tàu khai thác để hoạt động. Tuy nhiên, khi Công ty Ngọc Hùng tiến hành khai thác cát, người dân thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) đã liên tiếp phản đối, cản trở hoạt động vận chuyển cát của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong các ngày 26/4, 7/5, 28/5/2024, một bộ phận người dân đã tập trung cản trở hoạt động vận chuyển cát của Công ty Ngọc Hùng.

Đỉnh điểm, ngày 29/5/2024 tại bãi tập kết cát của đơn vị (thôn 2, xã Hòa Phong) có khoảng 11 người vận chuyển vật liệu xây dựng, đào hố chôn 2 trụ bêtông trên đường vào bãi tập kết cát để không cho xe vận chuyển cát ra vào.

Bà Mai Thị Huệ (thôn 2, xã Hòa Phong) cho biết, những năm gần đây, thiên tai đã gây ra tình trạng sạt lở núi và sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã Hòa Phong.

Trước tình hình đó, người dân lo ngại khi Công ty Ngọc Hùng khai thác cát sẽ khiến bờ sông sạt lở, nhất là khu vực người dân đang sinh sống và canh tác. Vì vậy, người dân nơi đây đã phản đối việc khai thác của công ty này.

Mọi người mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét lại khu vực khai thác, tập kết cát của Công ty Ngọc Hùng, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thôn 1, 2 (xã Hòa Phong).

Ngày 1/7/2024, 54 hộ dân của thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phong đề nghị di dời bãi tập kết và địa điểm khai thác cát ra khỏi khu vực hai thôn; đồng thời mong muốn, các cấp chính quyền trong thời gian giải quyết đơn kiến nghị không cho bất kỳ phương tiện nào khai thác, vận chuyển cát.

Cần cấp bách giải quyết vụ việc

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phong Nguyễn Nguyên Đồng, những năm gần đây, trên địa bàn xã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, sạt lở đồi núi do bão, lũ gây ra.

Bãi tập kết cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk tại thôn 2, xã Hòa Phong. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bãi tập kết cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk tại thôn 2, xã Hòa Phong. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Vì vậy, khi Công ty Ngọc Hùng đủ điều kiện và khai thác cát trên địa bàn, người dân lo lắng và ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp; thậm chí có hành vi không đúng quy định của pháp luật.

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật khi kiến nghị, đề xuất các vấn đề chưa đồng thuận, tránh tình trạng tập trung đông người, vi phạm pháp luật trong thời gian tới.

“Đối với những kiến nghị của người dân, đề nghị các sở, ngành có thẩm quyền sớm đánh giá lại tác động môi trường với việc khai thác, tập kết cát của Công ty Ngọc Hùng thời điểm hiện tại; sớm trả lời chính thức để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất và doanh nghiệp cũng được khai thác khoáng sản đúng quy định” - ông Nguyễn Nguyên Đồng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông cho biết, khi Công ty Ngọc Hùng tiến hành hoạt động khai thác, một số hộ dân ở thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) đã tụ tập đông người, cản trở hoạt động vận chuyển cát của doanh nghiệp.

Nhận thấy việc làm của người dân xuất phát từ việc chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cung cấp thông tin liên quan đến việc cấp phép và hoạt động khai thác của Công ty Ngọc Hùng.

Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không đồng tình; thậm chí xây dựng hai trụ bêtông tại bãi tập kết cát để ngăn không cho xe công ty di chuyển.

Đối với các nội dung kiến nghị của người dân (di dời bãi tập kết và dừng khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng), Ủy ban Nhân dân huyện đã giao Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phong phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát khu vực phù hợp để bổ sung quy hoạch sử dụng đất, tham mưu điều chỉnh địa điểm tập kết cát phù hợp. Tuy nhiên do trình tự thủ tục kéo dài nên cần sự đồng thuận của người dân.

Việc dừng khai thác cát của Công ty không thuộc thẩm quyền của huyện. Do đó, huyện đã hướng dẫn người dân làm thủ tục kiến nghị cơ quan cấp phép là Ủy ban Nhân dân tỉnh, tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông nhấn mạnh, để hài hòa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tránh phát sinh “điểm nóng” về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, song song với công tác tuyên truyền cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị, công ty tạm dừng hoạt động khai thác trong thời gian giải quyết vụ việc và đã được công ty thực hiện.

Đối với những cá nhân vẫn lợi dụng vấn đề này để kích động, tụ tập đông người, có hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban Nhân dân huyện, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn công khai toàn bộ hồ sơ, khu vực được cấp phép khai thác, khu vực cấm khai thác, hoạt động khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng… để người dân nắm bắt.

Từ đó, tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện, trình báo hành vi vi phạm nếu có để chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Huyện đã bố trí hơn 17 tỷ đồng để thi công kè chống sạt lở khu dân cư ven sông ở xã Hòa Phong. Đây là những khu vực bị sạt lở do thiên tai trong những năm vừa qua khiến người dân lo lắng.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông, hiện hai trụ bêtông người dân chôn trên đường vào bãi tập kết cát của công ty đã được tháo dỡ. Người dân không còn tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự nhưng vẫn không thống nhất việc Công ty khai thác cát và sử dụng bãi tập kết cát tại thôn 1, 2 (xã Hòa Phong).

Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc, Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá, khảo sát lại phạm vi tác động, diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông khu vực thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) nói riêng, khu vực Công ty Ngọc Hùng khai thác nói chung; điều kiện sử dụng bến bãi tập kết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành nhằm giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân trước khi công ty đi vào hoạt động.

Việc người dân tụ tập đông người để phản đối, cản trở hoạt động của công ty tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự; thậm chí xảy ra xung đột giữa người dân và doanh nghiệp.

Các biện pháp của chính quyền địa phương là quyết liệt, tích cực nhưng khó dứt điểm vụ việc. Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành đủ thẩm quyền cần cấp bách vào cuộc, giải quyết triệt để vụ việc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm