Đắk Lắk: Không để có thêm bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 2/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với bệnh bạch hầu vừa xuất hiện tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
 
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu trong buổi làm việc với ngành Y tế Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, ngày 30/8 bệnh nhân đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu là H’Si Yan, sinh năm 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Đến ngày 2/9 tại xã Ea H’Dinh, huyện Cư M'gar đã có thêm 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và 31 ca đang được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi có bệnh nhân tử vong do bạch hầu, ngành y tế tỉnh đã cấp thuốc đặc trị cho người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh; đồng thời tổ chức diệt khuẩn bằng hóa chất, cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có ca bệnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay là các cơ sở y tế chưa có khu cách ly khép kín từ khâu khám, chẩn đoán đến điều trị bệnh nhân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu đánh giá cao công tác ứng phó ban đầu của ngành y tế Đắk Lắk và yêu cầu ngành y tế địa phương tiếp tục làm tốt công tác phòng bệnh trên cả trẻ em và người lớn, không để có thêm bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, để đảm bảo tốt công tác cách ly, điều trị, đặc biệt cần phân loại cách ly hợp lý, có thể thực hiện cách ly tại nhà, trạm y tế xã và cơ sở điều trị tuyến huyện để giảm thiểu việc di chuyển người bệnh lên các tuyến trên.
Ngành y tế tỉnh tiếp tục làm tốt công tác điều trị dự phòng, kiên quyết cho những người, gia đình, kể cả nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với bạch hầu uống thuốc đặc trị, tiêm vắc xin phòng bệnh; rà soát những trẻ chưa được tiêm chủng, người lớn không rõ lịch sử tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế làm công tác điều trị, dự phòng về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác truyền thông đến người dân về mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu để người dân chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng lưu ý năm học mới sắp khai giảng, các trường học, đặc biệt là các trường trên địa bàn huyện Cư M’gar cần tổ chức công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, dùng hóa chất khử khuẩn để chủ động phòng, chống bạch hầu.
Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ ngành y tế tỉnh về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; tiếp tục hỗ trợ công tác xét nghiệm và chẩn đoán, hỗ trợ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.
Tuấn Anh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm