Đắk Lắk khan hiếm nước sản xuất: Người dân ở vựa lúa lớn nhất Đắk Lắk trắng tay sau lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 635.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đứng đầu diện tích trên cả nước. Thế nhưng, người dân nơi đây lại đang “đau đầu” vì vừa thiếu nước sản xuất hoặc bị lũ lụt hoành hành. Có thể nói, Đắk Lắk đang đối mặt với tình trạng mất an ninh nguồn nước ở mức báo động...  

Người dân huyện Lắk đằm mình trong nước lũ để cứu vớt những công sức sau một mùa vụ khổ sở gieo trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Người dân huyện Lắk đằm mình trong nước lũ để cứu vớt những công sức sau một mùa vụ khổ sở gieo trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Lắk -  vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk đã phải gánh chịu 3 trận lũ lụt: Hàng ngàn hécta lúa nước bị nước lũ nhấn chìm, mất trắng. 
Người tính không bằng trời tính
Nằm ở vùng trũng nên hàng năm bà con nông dân ở các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết đều phải hứng chịu các đợt lũ lụt gây thiệt hại lớn về cây trồng, tài sản. Năm 2022  được xem là năm người dân ở huyện Lắk phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do các đợt bão lũ gây ra. 
Đơn cử như trong tháng 5.2022, liên tiếp các trận mưa lớn đã nhấn nhiều diện tích cây lúa mới gieo sạ, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người nông dân. Cũng như nhiều người dân khác trong vùng, thời điểm đó gia đình anh Khổng Minh Thu, ở xã Buôn Triết có 3ha đất trồng lúa đã bị ngập sâu dưới nước.
Kể về thiệt hại trong đợt mưa lũ tháng 5 này, anh Thu cho biết, năm nay gia đình anh tiến hành gieo sạ sớm để tránh những đợt lũ ùa về trước tháng 8. "Thế  nhưng, người tính không bằng trời tính", khi sạ xong thì lại gặp mưa lớn, kéo dài, nước thoát không kịp, gây ra tình trạng ngập úng. Toàn bộ diện tích lúa mới gieo sạ của gia đình anh chìm trong biển nước, tổng thiệt hại hơn 20 triệu đồng. 
Theo anh Thu, ngay sau khi thất bại, gia đình anh tiếp tục tiến hành làm đất và gieo sạ lại. "Gia đình tôi không ước mong gì nhiều, chỉ mong thời tiết thuận lợi thì có ăn còn không thì chịu đói. Bởi nếu như gieo sạ lại vừa phải mất chi phí gần 10 triệu đồng vừa phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi như thường lệ, cứ đến dịp tháng 8 hàng năm là ở địa phương sẽ xuất hiện các trận mưa lũ. Lúc này, nếu lúa mới bắt đầu đỏ đuôi chưa thu hoạch kịp mà gặp lũ ngập thì coi như mất trắng” - anh Thu lo lắng.
Đúng như lo lắng của anh Thu và người dân người dân nơi đây, vào đợt mưa lớn từ đầu tháng 8.2022, hàng nghìn hécta lúa của bà con nơi đây đã bị nước lũ nhấn chìm hơn 20 ngày. Nước lũ rút đi, hàng ngàn ha lúa từ thân đến hạt đều chuyển thành màu đen, bốc mùi tanh của bùn.
Gia đình anh Nguyễn Trọng Hải, ở xã Buôn Tría có hơn 3ha lúa nước bị ngập nước mất trắng. “Tất cả mọi người trong gia đình tôi chỉ trong chờ vào mấy hécta lúa này để sinh hoạt. Năm nay, khi lũ đổ về, toàn bộ diện tích lúa bị ngập gia đình tôi mất trắng hoàn toàn, cuộc sống vô cùng khó khăn” - anh Hải ngậm ngùi.
Lũ chồng lũ, nông dân thiệt hại hơn 100 tỉ đồng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, trong năm 2022 trên địa bàn huyện xảy ra 3 trận lũ lụt.
Cụ thể, vào tháng 1.2022, tổng diện tích cây trồng vụ đông xuân bị thiệt hại là 1.107ha. Trong đó, cây lúa nước bị thiệt hại từ 30-70% là hơn 158ha, thiệt hại trên 70% hoặc mất trắng là gần 949ha. Tiếp đó, đến tháng 5.2022, nước lớn tiếp tục ùa về, nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Lắk. Thống kê cho thấy, trên toàn huyện đã có hơn 1.201ha lúa bị ngập úng. 
Nặng nề nhất với người dân nơi đây là trận lũ lụt lớn kéo dài hơn 20 ngày diễn ra trong tháng 8.2022. Trong trận lũ lụt kéo dài này thì đã có hơn 2.545ha cây trồng trên địa bàn bị nhấn chìm. Trong đó, thiệt hại từ 30-70% là trên 412ha và thiệt hại trên 70% (gần như mất trắng) là hơn 2.133ha. Các địa phương có diện tích lúa mất trắng nhiều như: Xã Buôn Triết là hơn 1.263ha, Đắk Liêng gần 547ha, Buôn Tría hơn 488ha. Tổng thiệt hại trong đợt lũ này được thống kê là hơn 78 tỉ đồng. Sau khi nước lũ rút đã có rất nhiều diện tích nằm lúa bẹp dưới bùn đất, người dân không thể gặt. Một số diện tích gặt được thì toàn bộ lúa thu về cũng chỉ dùng để cho gà, vịt, lợn ăn. 
Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, trong năm 2022, tổng 3 đợt mưa lũ đã gây ngập úng, thiệt hại cho 4.853ha cây trồng các loại. Việc mất trắng hàng nghìn hécta lúa và cây trồng khác đã khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Vấn đề lớn hơn là nguồn lương thực phục vụ cho bà con trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu hụt.
"Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ thì phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đê bao Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết... Đặc biệt, cơ quan chức năng cần sớm bố trí kinh phí đầu tư đê bao ngăn lũ từ trạm bơm suối Cụt đến buôn Mliêng với chiều dài khoảng 6km. Trong kỹ thuật sản xuất, đối với vụ hè thu (tháng 5-8 hằng năm) cũng cần cơ cấu cây giống ngắn ngày để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra" - ông Quang cho hay. 
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm