Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ 3 mắc bệnh viêm não Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là trường hợp thứ 3 mắc bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm 2024 đến nay.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk điều tra véc tơ gây bệnh tại nhà bệnh nhi. (Ảnh: Mai Lê)

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk điều tra véc tơ gây bệnh tại nhà bệnh nhi. (Ảnh: Mai Lê)

Bệnh nhi là H.N.R.N, sinh năm 2016, trú tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà bệnh nhi, ngày 17/7, bệnh nhi khởi phát các triệu chứng sốt cao, đau đầu, người nhà đưa trẻ đi khám và nhập Trung tâm Y tế huyện Krông Năng điều trị. Đến ngày 20/7, trẻ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán sốt cao kéo dài, theo dõi viêm não màng não. Ngày 25/7, kết quả xét nghiệm trẻ dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp Trung tâm Y tế huyện Krông Năng và Trạm Y tế xã Ea Hồ tiến hành điều tra véc-tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân và tăng cường công tác truyền thông cho người dân địa phương các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản B. Kết quả điều tra ghi nhận môi trường xung quanh nhà bệnh nhân có ao hồ, nước đọng, gần nhà có ruộng lúa, các hộ chung quanh nhà bệnh nhân có nuôi bò, heo là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh viêm não Nhật bản sinh sôi, phát triển.

Tại nhà bệnh nhi ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc-tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số bệnh nhân sống sót. Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như: mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: co giật, giảm khả năng nhận thức như: trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê; rối loạn vận động như: liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.

Hiện nay, cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ em khi đã đủ tuổi thì tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hữu hiệu nhất. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.