(GLO)- Triển khai từ cuối năm 2019 tại 10 xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mô hình đài truyền thanh thông minh do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong quản lý, vận hành và tuyên truyền.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 173 đài truyền thanh có dây và không dây FM đang hoạt động. Bên cạnh đó là 10 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông (đài truyền thanh thông minh) phân bố ở các xã: Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai), Ia Krêl (huyện Đức Cơ), Sơ Pai (huyện Kbang), Ia Rmok (huyện Krông Pa), Cư An (huyện Đak Pơ), Đak Ta Ley, Đê Ar (huyện Mang Yang), Ia Yeng (huyện Phú Thiện) và Kông Yang (huyện Kông Chro).
“Mô hình thông minh”
Đài truyền thanh thông minh xã Kông Yang (huyện Kông Chro) hoạt động từ tháng 10-2020. Anh Nguyễn Thanh Thành-người vận hành đài truyền thanh xã-cho biết: So với mô hình truyền thanh không dây FM trước đó, đài truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm về thiết bị và cách thức vận hành. Cụ thể, mô hình cũ có lượng thiết bị cồng kềnh, thông tin phải lần lượt qua máy phát, máy thu tín hiệu, máy chia tần số. Nếu phát sóng đài FM thì phải có radio FM; nếu phát đài VOV thì phải qua đài vệ tinh VOV. Qua một mùa mưa kéo dài, một số thiết bị hư hỏng nên người trực đài phải trực tiếp sửa chữa, rất vất vả.
Anh Nguyễn Thanh Thành-người phụ trách đài truyền thanh thông minh xã Kông Yang (huyện Kông Chro) hầu như không gặp khó khăn gì trong quản lý, vận hành. Ảnh: Lam Nguyên |
Trong khi đó, mô hình mới rất đơn giản, gọn nhẹ chỉ với 1 máy tính kết nối internet, 1 hộp thiết bị nhỏ gọn thu phát tín hiệu (có lắp sim 3G, 4G) kết nối với cụm loa. Cấu hình phát trực tiếp đã được cài đặt trong máy tính gồm: kênh chuyển tiếp (kênh mặc định VOV1, VOV3 và tiếp sóng đài huyện); file; microphone (ghi âm giọng đọc của phát thanh viên và phát trực tiếp).
Đặc biệt, chức năng chuyển văn bản thành giọng nói trong vài giây có thể thay thế phát thanh viên; người vận hành chỉ cần tải văn bản lên chương trình, chọn chức năng này thì nội dung văn bản sẽ được chuyển thành giọng nói để phát trực tiếp trên loa, có thể lựa chọn giọng nam/nữ của một số vùng miền.
Với chương trình FM, người trực đài lên internet tải xuống và phát. Đài VOV thì đã được mặc định trong máy tính nên có thể tự phát và tắt theo giờ cài đặt (5-7 giờ, 17-19 giờ). Người quản lý, vận hành cũng không cần có mặt để tắt, mở máy mà có thể quản lý từ xa bằng điện thoại thông minh. Chỉ cần 1 cú click nhẹ là hệ thống vận hành thông suốt, âm thanh phát ra ổn định.
“Mô hình này rất thông minh. Đến giờ, hầu như tôi không gặp khó khăn gì trong vận hành”-anh Thành khẳng định.
Hộp thiết bị của mô hình đài truyền thanh thông minh rất nhỏ gọn so với những mô hình cũ. Ảnh: Lam Nguyên |
Ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang-nhận định: “Đây là mô hình mới, hoạt động rất tốt. Mô hình cũ thua xa do khi gặp mưa, sét dễ gây cháy thiết bị, hư hỏng các cụm loa; còn truyền thanh thông minh có thiết bị nhỏ gọn, lại chống sét hiệu quả. Nhờ đó mà công tác tuyên truyền của xã có nhiều thuận lợi, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân nhanh nhạy, kịp thời hơn”.
Bà Phạm Thị Năm (thôn 2) cho hay: “Ngày nào tôi cũng nghe các chương trình của đài. Không cần mở ti vi mà tôi vẫn nắm đầy đủ thông tin thời sự, nhất là về dịch Covid-19, về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.
Cần nhân rộng
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: Theo ghi nhận của các xã có đài truyền thanh thông minh thì mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Thiết bị thu phát thanh hoạt động tốt, ổn định; phần mềm quản trị hệ thống cơ bản dễ sử dụng; quy trình vận hành thuận tiện; chất lượng âm thanh các cụm loa đảm bảo.
“Các đài sau khi được lắp đặt đã hoạt động ổn định, kịp thời thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những thông tin về thời sự, chính trị, văn hóa, kinh tế... đáp ứng nhu cầu thông tin cơ bản của người dân”-bà Hương nhận định.
Tuy nhiên, do đài truyền thanh thông minh sử dụng công nghệ mới, trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách còn hạn chế nên quá trình vận hành còn gặp một số khó khăn nhất định, chưa phát huy tối đa hiệu quả; vẫn có cụm loa trong lúc phát bị mất tín hiệu dẫn đến ngắt quãng nội dung phát thanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, Sở tăng cường tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách đài truyền thanh không dây FM nói chung, đài truyền thanh thông minh nói riêng.
Trong 5 năm tới, định hướng của ngành là tiếp tục duy trì hoạt động các đài truyền thanh có dây, đài truyền thanh không dây FM đang hoạt động tốt để tránh lãng phí. Đồng thời, Sở sẽ kiến nghị đầu tư xây dựng đài truyền thanh thông minh đối với những xã chưa có đài truyền thanh hoặc có đài truyền thanh không dây FM nhưng đã hư hỏng, không thể sửa chữa.
“Đây là mô hình rất hiệu quả nên theo tôi, thời gian tới cần nhân rộng”-bà Hương cho hay.
LAM NGUYÊN