Đại gia Dương Thị Bạch Diệp vướng vòng lao lý,DN bị vận đen đeo bám

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị khởi tố, công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương do nữ đại gia này làm người đại diện pháp luật vẫn tiếp tục bị vận đen đeo bám. Mới đây nhất, doanh nghiệp này bị “bêu tên” trong danh sách nợ thuế đợt 2.2019 với khoản nợ lên tới 36,7 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã có tới 3 lần bị bêu tên trong vòng 1 năm qua.
Theo thông báo số 4850/TB-CT của Cục thuế TP.HCM về việc công khai danh sách thông tin các doanh nghiệp nợ tiền thuế kỳ 2.2019, công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục bị "bêu tên" trong tổng số gần 1.700 doanh nghiệp.
3 lần nằm trong "danh sách đen" nợ thuế chỉ trong vòng 1 năm
Cụ thể, tính đến thời điểm 28.2.2019 có 1.691 đối tượng nợ thuế với tổng số tiền nợ thuế lên đến 4.481,5 tỷ đồng.
Trong số 1.691 đơn vị nợ thuế, có 27 đơn vị nợ thuế dưới 100 triệu đồng. Đơn vị nợ thuế ít nhất trong danh sách lần này là 11,3 triệu đồng.
Có đến 404 đơn vị nợ thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng. Gần 400 đơn vị nợ thuế từ 300 đến 500 triệu đồng. Hơn 300 đơn vị nợ từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng 445 đơn vị nợ từ 1 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng. 439 đơn vị nợ từ 10 tỷ đến 75 tỷ đồng.
Đứng đầu sổ nợ thuế là Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM (818 tỷ đồng).
 
Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, do nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp làm người đại diện pháp luật vừa bị khởi tố cách đây không lâu đứng TOP 21 đơn vị nợ thuế với số tiền nợ thuế gần 36,7 tỷ đồng. Đây cũng là lần thứ 3 doanh nghiệp này bị “bêu tên” trong vòng 1 năm qua
Trước đó, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị “bêu tên” trong đợt tháng 10.2018 với số nợ 35,5 tỷ đồng vào kỳ tháng 10.2018. Các đó không lâu, trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế đợt 2.2018, tính đến ngày 31.5.2018, được cục thuế TP.HCM công bố, công ty của đại gia Dương Thị Bạch Diệp cũng nằm trong danh sách này với khoản nợ 33,9 tỷ đồng.
Không chỉ là nợ thuế, đỉnh điểm nhất của công ty này là việc Kiểm toán Nhà nước công bố đến hết 2012, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương nợ Agribank TP.HCM số tiền lên tới 3.700 tỷ đồng. Trong số này nợ gốc là 2.968 tỷ đồng, tiền lãi là 732 tỷ đồng. Những diễn biến này khiến bà Diệp thường xuyên phải đích thân đứng ra cải chính và khiếu nại.
Trong danh sách nợ thuế đợt 2 này, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải của ông chủ Khaisilk cũng được nhắc tên, với số tiền nợ thuế hơn 5,4 tỷ đồng. Khaisilk được biết đến là ông hoàng tơ lụa. Tuy nhiên khoảng cuối năm 2017, Khaisilk bị “tố” gắn mác hàng Việt cho sản phẩm Trung Quốc. Ông Hoàng Khải cũng đã thừa nhận “bán 50% lụa 'made in China' trong hệ thống của mình. Hiện, các cửa tiệm nằm trong hệ thống cửa hàng Khaisilk tại TPHCM đều bị đổi chủ hoặc ngừng kinh doanh.
Cuộc đời và vòng xoáy lao lý của nữ đại gia sở hữu Rolls Royce Phantom
Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.
Năm 1984, bà Dương Thị Bạch Diệp bắt đầu dấn thân vào việc mua bán bất động sản. Ban đầu, bà đi mua căn nhà hoặc chung cư cũ, rồi cải tạo và bán với giá cao hơn. Thành công  lớn cho việc mua bán này chính là mua bán căn chung cư trên đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP.HCM).
 
Từ đấy bà Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục mua nhiều căn chung cư cũ khác, rồi sửa sang bán lại và có được tích lũy tiền lời khá lớn. Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp bắt đầu lấn sang những sản phẩm bất động sản cao cấp hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, chung cư cao cấp…
Từ lúc khởi nghiệp kinh doanh năm 1984 đến nay, bà Dương Thị Bạch Diệp đã có 35 năm kinh doanh. Khối bất động sản tại các công ty bà nắm giữ lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM.
Nắm trong tay hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu, trở thành một đế chế bất động sản hùng mạnh tại Sài thành. Có thời điểm, giới kinh doanh bất động sản nhận định bà Diệp là người sở hữu số lượng bất động sản ở TP HCM có giá trị nhất.
Điều này, đã làm nhiều đại gia bất động sản phải ngả mũ khâm phục và xem bà là một "Bông hồng vàng" một thời của giới doanh nhân nữ.
Phất lên nhờ bất động sản, nhưng sự kiện khiến tên tuổi bà Dương Thị Bạch Diệp nổi bật trong giới đại gia là việc mua chiếc xe Rolls-Royce biển số tứ quý 7, đắt tiền và sang nhất Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 1.2008. Chiếc siêu xe Rolls Royce được đặt hàng chính hãng khi đó chịu thuế nhập khẩu là 80% và giá sau thuế ước tính vào khoảng 1,3 triệu USD.
Về chiếc siêu xe Rolls Royce Phantom BKS 77L-7777, theo Dân Trí, đây là chiếc xe của con gái, con trai và con rể bà Diệp hùn hạp mua tặng nhân dịp sinh nhật bà. Chiếc xe này đặt mua vào ngày 23.11.2007.
 
Chiếc Rolls-Royce Phantom của bà chủ công ty Diệp Bạch Dương
“Tôi mua xe từ năm 2007, 2008 bằng tiền cá nhân chứ không có chuyện mua xe bằng tiền vay của ngân hàng”, bà Diệp nói.
Sau một thời gian dài thành công, giai đoạn 2010 - 2019, tiếng tăm của Công ty Diệp Bạch Dương dần mai một, nhất là sau hàng loạt thông tin phá sản, trốn nợ, trốn thuế.
Ngoài ra, trong chặng đường kinh doanh hơn 3 thập kỷ qua, nữ doanh nhân gốc Bình Định không ít lần vướng vào lao lý. Bà Dương Thị Bạch Diệp từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vào năm 1982 và 1994 bà Dương Thị Bạch Diệp đều bị giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, cả 2 lần đó bà sớm được tại ngoại vì cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để có thể buộc tội bà.
Mới đây nhất, ngày 25.1, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Dương Thị Bạch Diệp bị bắt còn kéo theo 5 nguyên cán bộ của TP.HCM (trong đó có ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM) bị bắt cùng. Tất cả đều liên quan đến việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Theo PV (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.