Đà Lạt: Uống cà phê trên những toa tàu cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những toa tàu cổ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) tưởng chừng sẽ mãi mãi bị con người lãnh quên theo thời gian bỗng trở thành điểm đến kỳ thú cho du khách thích thưởng thức cà phê miền đất lạnh.
 

Ngồi trong toa tàu này có thể ngắm toàn cảnh ga Đà Lạt. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Ngồi trong toa tàu này có thể ngắm toàn cảnh ga Đà Lạt. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Để tránh thời gian biến những toa tàu cổ thành đống gỗ mục nát và sắt vụ, ngành Đường sắt Việt Nam mà trực tiếp là ga Đà Lạt đã tu bổ, trang trí thành quán cà phê “độc” giữa một sân ga đẹp nhất Đông Dương. Người đến đây thưởng thức cà phê phần lớn là khách du lịch, bên cạnh đó cũng có không ít người Đà Lạt mê ga cổ và ưa hoài niệm.

Họ đến đây uống cà phê với cái đích lớn hơn là ngắm nghía, “soi mói”, bình phẩm toa tàu cổ với vài cái đầu máy còn may mắn xót lại đang nằm chỏng chơ. Tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm chỉ dài 84 km nhưng được ngành đường sắt trên toàn thế giới biết đến như một kỳ tích đáng tự hào của ngành mình. Tuyến đường này được thiết kế vô cùng đặc biệt với những đầu máy chạy bằng hơi nước có răng cưa chuyên dụng để leo đèo. Việt Nam đóng cửa tuyến đường này, Thụy Sĩ trở thành nước duy nhất trên thế giới còn đường tàu leo đèo.

Nói về cà phê, thật ra chất lượng cũng như mọi quán khác trong thành phố, vẫn vị đậm đặc, đắng nồng, thơm đượm đặc trưng nhờ được trồng trên miền đất đỏ, được xúc tác bởi cái nắng, cái gió của vùng đất cao nguyên. Ngồi trong khoang tàu, uống cà phê, ngắm tàu cổ và để nhìn tổng thể kiến trúc nhà ga đẹp nhất Đông Dương đã khiến không ít người đâm ra si mê. “Từ khi quán cà phê này hoạt động, mỗi khi rảnh rỗi tôi lại chạy ra đây ngồi, mặc dù chỗ này cách nhà tôi tới gần 3 cây số”-ông Đỗ Văn Hùng, một vị khách cho biết.

 

Không gian phía ngoài toa tàu cổ này là điểm đến chụp hình lý tưởng cho những cặp uyên ương. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Không gian phía ngoài toa tàu cổ này là điểm đến chụp hình lý tưởng cho những cặp uyên ương. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Cũng cần phải nói thêm, sự sai lầm mang tính lịch sử đã khiến 7 đầu tàu chạy bằng hơi nước được thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc leo đèo, tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt đã bị bán mất với giá “sắt vụn”. Cuộc mua bán, mặc cả kéo dài khoảng 3 năm thì hoàn thành, cuối năm 1990 cả 7 đầu máy chạy bằng hơi nước vào dạng quý hiếm trên thế giới này đều lọt vào tay một công ty của Thụy Sỹ. Những toa tàu do Đông Đức sản xuất “mất đầu” nằm chơ vơ phơi mình trong mưa gió suốt nửa thế kỷ qua khiến người ta xót xa cho quá khứ.

Rồi cách đây ít năm, tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng lại tuyên sắt răng cưa Đà Lạt-Tháp Chàm. Công ty của Thụy Sĩ mà ngành đường sắt Việt Nam đã bán cho họ 7 đầu tàu trước đó sang chào giá mỗi đầu tàu có răng cưa leo đèo là 1 triệu USD, trong khi vào năm 1990, họ mua 7 đầu tàu này của Việt Nam chỉ với giá 650.000 USD. Cuộc mua bán để khôi phục lại tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm dài 84 km sau đó đã không đạt được một thỏa thuận nào.

Ngô Khắc Lịch

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.