Gần 100 thành viên trong đoàn khảo sát núi Chư Nâm (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) do UBND tỉnh tổ chức đã chinh phục thành công đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà phía Tây” của cao nguyên Gia Lai.
Xuất phát từ trụ sở UBND tỉnh lúc 6 giờ sáng thứ bảy (15-2), đoàn xe hướng về phía đập thủy lợi Tân Sơn cách trung tâm TP. Pleiku hơn 30 km. Từ đây bắt đầu hành trình leo núi Chư Nâm-nơi được mệnh danh là “nóc nhà phía Tây” của cao nguyên Gia Lai có độ cao 1.472 m so với mực nước biển.
Sau khi nhận khẩu phần ăn trưa là 1 hộp xôi và thịt nướng, nước uống, các thành viên mang theo hành trang gọn nhẹ bắt đầu hành trình leo núi vào sáng sớm.
Là cung trekking có độ khó cao, gần 100 thành viên của đoàn nhanh chóng có sự phân chia thành các tốp. Sau gần 2 giờ đồng hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế là người đầu tiên trong đoàn đặt chân tới đỉnh Chư Nâm. So với người lên sau cùng với thời gian hơn 3 giờ 30 phút thì sức khỏe của ông quá tuyệt vời.
Ông Nguyễn Hữu Quế là người tập luyện bền bỉ, kỷ luật, đặc biệt với môn chạy bộ nên sức khỏe thể hiện rất rõ trong hành trình leo núi. Một số lãnh đạo gần tuổi nghỉ hưu cũng cho thấy sức khỏe dẻo dai so với tốp của các bạn trẻ. Một hướng dẫn viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: Quá trình các anh đi kiểm tra rừng trung bình cũng mất hơn 3 giờ mới lên tới đỉnh núi.
Đường lên đỉnh Chư Nâm mùa này thử thách nhất là những đoạn dốc dựng đứng phủ lá thông hoặc đá sỏi nhỏ, rất dễ trượt chân. Với những người không tập luyện thể thao thường xuyên, chỉ mươi bước chân đã phải dừng nghỉ.
Càng lên cao, dốc giảm dần. Khung cảnh núi rừng, làng mạc, đồng ruộng bên dưới càng hiện rõ trong nắng sáng trong veo. Những bụi hoa mua sót lại những bông tím biếc cuối mùa như níu giữ mùa xuân trên núi cao.
Thỉnh thoảng, trên đường đi, chúng tôi còn bắt gặp vài bụi cây boh chieng lai xanh um thấp thoáng chùm quả non đầu mùa. Đây là loài cây mọc hoang nơi núi rừng, quả chín mọng có màu sắc và hình dáng giống quả việt quất hay được người dân hái về ngâm rượu, làm thức uống tựa như rượu vang.
Sau hành trình dài vất vả, cả đoàn vui mừng chụp ảnh check-in đánh dấu độ cao 1.472 m của đỉnh Chư Nâm. Giữa mùa khô Tây Nguyên, trời xanh ngắt, nắng trong veo khiến view ngắm cảnh từ độ cao mở rộng hơn để mọi người tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Từ đây có thể nhìn thấy một phần tỉnh bạn Kon Tum. Núi lửa Chư Đang Ya cũng thu vào tầm mắt, nhỏ bé bên cạnh “người anh Chư Nâm” vạm vỡ. Nhiều người còn ngỡ ngàng thốt lên khi nhìn toàn vẹn đập Tân Sơn từ trên cao không khác một miếng ngọc lục bảo. “Biển Hồ xanh trong như đôi mắt ai” cũng lộng lẫy dưới nắng.
Đỉnh Chư Nâm là một bãi đất bằng phẳng. Nơi đây đã cất giữ niềm hạnh phúc của biết bao trái tim du khách chinh phục thành công đỉnh Chư Nâm. Thật khó diễn đạt thành lời cảm xúc sau hành trình trekking quãng đường hơn 4 km với biết bao giọt mồ hôi đổ xuống, để được đứng nhìn ngắm ánh hoàng hôn cuối ngày hay rạng rỡ đón bình minh sau một đêm lửa trại giữa sao trời. Điều đó lý giải vì sao đỉnh Chư Nâm trở thành một trong những điểm trekking hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch của tỉnh, đón hàng ngàn lượt khách chinh phục mỗi năm.
Chuyến khảo sát do UBND tỉnh tổ chức nhằm nắm bắt, đánh giá thực tế địa hình, giao thông, môi trường sinh thái, đời sống, phong tục, tập quán các dân tộc sinh sống xung quanh khu vực núi Chư Nâm và cảnh quan xung quanh khu vực này để có kế hoạch đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch.

Tham gia chinh phục đỉnh Chư Nâm lần này có nhà đầu tư Trần Thị Ngọc Hoa-người sáng lập Công ty Cassandrar Singapore. Chị Hoa sinh ra và lớn lên tại Gia Lai nhưng lấy chồng người Ý, hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Ý.
Là người yêu thiên nhiên và thường xuyên rèn luyện thể thao, nữ doanh nhân này cho thấy sức khỏe dẻo dai trong suốt hành trình. Làm việc và sinh sống ở nước ngoài đã hơn 20 năm, chuyến trở về lần này mang lại cho chị Hoa nhiều cảm xúc.
Chị chia sẻ: “Suốt hành trình leo núi, trong tôi luôn dâng trào cảm xúc. Niềm hạnh phúc hiện lên trong từng hơi thở. Thiên nhiên Gia Lai còn nguyên sơ, phong cảnh tự nhiên quá đẹp, nhất là cung trekking lên đỉnh Chư Nâm. Chuyến đi này cho tôi cái nhìn thực tế để kết nối với các nhà đầu tư trở về Gia Lai làm ăn, gắn bó lâu dài. Các nước công nghiệp rất coi trọng giá trị do thiên nhiên mang lại. Mà đây lại là thế mạnh của tỉnh Gia Lai”.
Từng vài lần chinh phục đỉnh Chư Nâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng, cung trekking này hoàn toàn có thể xây dựng thành tour du lịch để du khách vừa khám phá thiên nhiên, vừa rèn luyện sức khỏe; cũng như chiêm ngưỡng, tận hưởng màu xanh Tây Nguyên.
“Chúng tôi đang kêu gọi xã hội hóa để xây dựng một công trình làm điểm nghỉ ngơi, đồng thời check-in dành cho du khách khi lên tới đỉnh Chư Nâm.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao cho các sở, ngành phối hợp cùng với huyện Chư Păh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ xây dựng tour du lịch tại Chư Nâm để nơi đây trở thành điểm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả du khách quốc tế”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh.
Trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành tham gia đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cũng lưu ý một số vấn đề như: đường lên đỉnh núi cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách; trồng thêm cây xanh để tạo bóng mát; đẩy mạnh quảng bá, kêu gọi các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch Chư Đang Ya-Biển Hồ. Đây là cơ sở để tỉnh triển khai các bước tiếp theo.
Ngày 15-2, UBND tỉnh tổ chức đoàn khảo sát thực tế núi Chư Nâm. Đoàn có gần 100 thành viên do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế làm trưởng đoàn. Cùng đi có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chư Păh.
Chư Nâm thuộc tiểu khu 249 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý, bảo vệ. Với ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là tình yêu của ông đối với cảnh đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho quê hương Gia Lai.
Ông Thành cho biết, phần lớn du khách chinh phục đỉnh núi theo kiểu tự phát nên đơn vị thường xuyên có khuyến cáo cần thiết để chuyến trải nghiệm được an toàn. Đó cũng là cách lan tỏa vẻ đẹp của đỉnh Chư Nâm đến với du khách.
Ông Thành cho hay: Đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trekking, ngắm cảnh. Nhiều đoạn khó đi, chúng tôi phát dọn sạch sẽ, đánh dấu đường để du khách tránh bị lạc. Công tác trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống, cân bằng môi trường sinh thái, phòng-chống cháy rừng được chú trọng thường xuyên.
Đơn vị cũng khuyến cáo bà con địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng. Du khách cần chấp hành nghiêm an toàn lửa rừng, nhất là hoạt động đốt lửa cắm trại qua đêm. Đồ đạc du khách mang theo đều phải thu dọn trước khi quay về. Đồng thời, bố trí lực lượng thu dọn rác để đảm bảo vệ sinh môi trường.