Huyền thoại thác Drai Măk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bắt nguồn từ dòng suối Êa Măk hiền hòa thuộc địa phận buôn Thái, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), thác Drai Măk theo tiếng của người Êđê có nghĩa là “thác nước mang tên chàng Măk”.

Người già nơi đây vẫn thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện về tình anh em gắn bó keo sơn của chàng Măk...

Xưa kia, ở một buôn nọ có anh em nhà Y Măk mồ côi cha mẹ, người anh Y Măk hằng ngày phải vào rừng săn bắt thú rừng, hái lượm hoa quả nuôi em. Một hôm, không kiếm được thức ăn, vừa khát, vừa đói, Y Măk đến một con suối để bắt cá cho em ăn mà không nhớ rằng dòng suối này là nơi có cá thần cư ngụ, người già đã dặn không được đánh bắt cá ở đây.

Hôm đó anh em nhà Y Măk ăn cơm với cá nướng một cách ngon lành. Khi ăn gần xong thì người em bị hóc xương, càng tìm cách lấy ra thì cái xương lại càng cắm sâu hơn. Y Măk kiếm các loại lá thuốc về nấu cho em uống, nhưng mọi nỗ lực của chàng vẫn không thể rút được xương cá ra. Lo lắng, Y Măk chạy ra con suối đã bắt cá cầu xin thần linh giúp em mình. Chờ mãi mà không thấy thần linh xuất hiện, vì quá mệt, Y Măk thiếp đi trên tảng đá bên bờ suối. Trong mơ, Y Măk nghe thấy một giọng nói vang lên: “Y Măk này, đây là suối thiêng có cá thần đã được Yang Êa che chở, ai bắt cá ở đây đều sẽ phải chết”.

ve-dp-thac.jpg

Choàng tỉnh, Y Măk biết mình đã bị Yàng trừng phạt. Thương người em còn nhỏ, Y Măk quyết định về gặp dân làng kể lại việc mình đã bắt và ăn cá thần, cầu xin dân làng giúp cho một con heo và ba ché rượu cần để đi tạ lỗi với Yàng Êa. Nhưng trong khi chuẩn bị lễ cúng, do bị hóc xương cá quá lâu nên em của Y Măk kiệt sức và chết trong đau đớn.

Tuyệt vọng vì cái chết của em trai, Y Măk lao ra suối, tức giận hét lớn: “Ê lũ cá, ê lũ cá... sao tụi mày lại hại chết em tao?”. Y Măk chạy từ đầu nguồn đến cuối nguồn con suối la hét, khóc lóc và điên cuồng vung dao chém khắp nơi cho đến khi trời tối. Mệt mỏi rã rời với nỗi buồn đau, Y Măk đổ bệnh và chết ngay trong đêm đó.

Tưởng nhớ tình cảm keo sơn bền chặt của anh em nhà Y Măk đáng thương, dân làng đã đặt tên cho con suối là Êa Măk. Những vị trí Y Măk vung dao chém trong lúc tức giận đã tạo thành những ghềnh thác cao, hùng vĩ như ngày nay, trong đó có dòng thác nằm phía hạ nguồn con suối Êa Măk và được người dân đặt tên là Drai Măk.

Dù gắn liền với câu chuyện đầy buồn thương nhưng Drai Măk là một con suối thơ mộng với cảnh quan thiên nhiên hữu tình, đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh.

Thác có độ cao khoảng 40 m, chiều dài dòng chảy khoảng 120 m. Ở giữa dòng thác có 12 phiến đá bằng phẳng như những phím đàn kết hợp với dòng nước trải tựa mái tóc dài bồng bềnh, thướt tha của cô sơn nữ. Dòng nước đổ xuống, va vào các phiến đá tạo nên âm thanh lúc trầm, lúc bổng tựa như một bản nhạc hòa tấu, ngân nga giữa đại ngàn. Ở bờ Đông, dưới chân thác đổ là những phiến đá to, bằng phẳng nằm kề cạnh nhau tạo thành chỗ dừng chân để đùa vui, tắm mát. Tại đây, những cây cổ thụ với cành lá xanh tốt, um tùm che bóng, rễ cây mọc chằng chịt, ôm ấp lẫn nhau là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ chân. Ngồi nơi đây, hướng mắt về phía bờ Tây ngắm nhìn những vách đá dựng đứng, tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau như một bức tranh họa đồ về đá, về địa chất, địa mạo rất hấp dẫn, ly kỳ.

Đến với thác Drai Măk, được đắm mình trong không gian thoáng đãng, yên bình; hít thở không khí trong lành, mát mẻ; lắng nghe giai điệu của tiếng thác đổ; tận hưởng cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên… và nghe kể câu chuyện về anh em nhà Y Măk, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền cao nguyên đại ngàn.

Theo Hằng Trần (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.