Cựu chiến binh Ia Dreng thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, nhiều cựu chiến binh (CCB) xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực lao động sản xuất, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 1975, sau khi xuất ngũ, CCB Lưu Xuân Phong trở về quê hương Bắc Giang sinh sống. Nhiều năm bám trụ với đồng ruộng nhưng cuộc sống của gia đình vẫn khó khăn, năm 1996, ông Phong quyết định đưa vợ con vào thôn Tung Neng (xã Ia Dreng) lập nghiệp. Dù sức khỏe giảm sút vì mang thương tật 2/4 nhưng trên mảnh đất mới, ông vẫn luôn nỗ lực lao động sản xuất để phát triển kinh tế, đưa gia đình từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 

Ông Nguyễn Văn Châu (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng hồ tiêu của gia đình. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Văn Châu (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng hồ tiêu của gia đình. Ảnh: H.T

Ông Phong chia sẻ: “Lúc vào đến Ia Dreng, vợ chồng tôi chỉ có đôi bàn tay trắng. Để có tiền chi tiêu, vợ chồng tôi đi làm thuê cho các hộ trồng hồ tiêu, cà phê. Sau đó, vợ chồng tôi thuê rẫy trồng các loại cây ngắn ngày, như: bắp, mì, đậu đỗ các loại và nuôi heo, gà để có thêm thu nhập. Khi có vốn, gia đình đầu tư mua đất trồng cà phê và hồ tiêu. Đến nay, gia đình đã trồng được trên 400 trụ hồ tiêu và 1,2 ha cà phê, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng”.

Cũng như ông Phong, nhờ chăm chỉ lao động, sau gần 20 năm rời quê hương Hà Tĩnh vào thôn Tung Mô B (xã Ia Dreng) lập nghiệp, gia đình ông Nguyễn Văn Châu đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Châu nhớ lại: “Gia đình tôi vào xã Ia Dreng lập nghiệp năm 1999. Khi mới đặt chân đến đây, tôi mua được 1 ha đất. Song vì không còn vốn liếng nên gia đình chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu để nhanh có thu nhập. Nhiều năm sau, từ số tiền tích cóp được, cộng với những kinh nghiệm học được từ các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, gia đình tôi mới mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, hồ tiêu và cà phê. Đến nay, gia đình đã trồng được 500 trụ hồ tiêu, 1.500 cây cà phê và 100 cây sầu riêng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên theo từng năm”.

Hiện nay, xã Ia Dreng có nhiều tấm gương CCB nỗ lực vượt khó vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, Hội CCB xã Ia Dreng hiện không còn hội viên nghèo; số hội viên khá và giàu chiếm trên 50%. Theo ông Lưu Hồng Quân-Chủ tịch Hội CCB xã, để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các CCB, thời gian qua, Hội cũng đã đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm kinh tế giỏi” nhằm tạo điều kiện cho các CCB trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có 38/81 cán bộ, hội viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ trên 800 triệu đồng.

“Thời gian tới, Hội CCB xã sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ, hội viên về vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Đồng thời, định hướng cho cán bộ, hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tăng hiệu quả sản xuất, trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Ngoài ra, Hội cũng sẽ tiếp tục biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi để tạo động lực cho các cá nhân tiếp tục nỗ lực trong lao động sản xuất cũng như làm gương cho các hội viên noi theo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, hội viên trên địa bàn”-ông Lưu Hồng Quân cho biết thêm.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.