(GLO)- Mạnh mẽ, cá tính và quyết đoán-đó là những tố chất giúp cô gái trẻ Nguyễn Thị Cẩm Tú, 28 tuổi (tổ 4, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) thành công trong việc khởi nghiệp từ nuôi giun quế để phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt.
Niềm vui của Cẩm Tú bên vườn rau sạch bón bằng phân giun quế. Ảnh: N.T.T |
Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN THỊ CẨM TÚ:
|
Sinh ra và lớn lên tại thị xã Ayun Pa, sau khi tốt nghiệp cử nhân Sinh học (Trường Đại học Quy Nhơn), do yêu thích hoạt động Đoàn nên Cẩm Tú xin về làm hợp đồng tại Thị Đoàn Ayun Pa. Với cá tính mạnh mẽ, Tú luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Thị Đoàn giao phó như thường xuyên tiếp cận cơ sở và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, từ đó có những tham mưu thiết thực phục vụ cho công tác Đoàn ở địa phương, nhất là phong trào thanh niên lập nghiệp.
Sau những giờ làm việc ở cơ quan, Tú thường suy nghĩ: “Làm thế nào tăng thêm thu nhập, để bù đắp thêm chi phí sinh hoạt chứ đồng lương hợp đồng cán bộ Đoàn ít ỏi quá”. Ban đầu Tú đặt mua các mặt hàng như hạt dưa, hoa ly, măng khô, hạt điều… rồi bán qua mạng. Cuối năm 2015, qua tìm hiểu thấy mô hình nuôi giun quế có chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, “một vốn bốn lời” nên Tú quyết định khởi nghiệp từ mô hình này-một lĩnh vực cũng rất phù hợp với ngành nghề đã học. Theo Cẩm Tú, giun quế có thể dùng làm thức ăn vô cùng bổ dưỡng cho gia súc, gia cầm; phân của giun quế được xem là nguồn phân sạch, làm phân bón rất tốt cho cây trồng… Cùng với việc nuôi giun quế, cô bắt đầu nuôi thêm gà và trồng rau sạch. “Lấn sân” làm kinh tế, nữ cán bộ Đoàn quyết định xin thôi việc ở Thị Đoàn Ayun Pa sau 5 năm hợp đồng để chuyên tâm khởi nghiệp.
Với số vốn tích lũy được khoảng 100 triệu đồng, Cẩm Tú quyết định mở rộng việc nuôi giun quế và chăn nuôi gà. Tháng 9-2016, cô đầu tư nuôi gần 700 con gà, lấy giun quế làm thức ăn cho gà và trồng thêm rau sạch. Sau 3 tháng, lứa gà đầu tiên xuất chuồng, trừ chi phí thì lợi nhuận còn hơn 16 triệu đồng. Khi những lứa gà đầu nuôi được 2 tháng thì Tú tiếp tục nuôi gối đầu lứa khác, như vậy cứ đều đều tháng nào Tú cũng có gà xuất chuồng. Ngoài ra, mỗi tháng từ 50 m2 nuôi giun quế cô thu khoảng 100 kg giun quế với giá thành hiện nay là 50.000 đồng/kg. Chưa kể, sau 6 tháng nuôi giun quế cô còn thu về hơn 3 tấn phân giun quế với giá thành từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Để nhân rộng mô hình này, Tú đã làm dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật cấp huyện với đề tài “Xây dựng mô hình nuôi trùn quế thương phẩm tại thị xã Ayun Pa” do chính cô làm chủ đề tài; hiện đề tài đang được triển khai với tổng số vốn 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại hộ dân đóng góp.
Cẩm Tú cho biết: Dự án nhằm giúp người dân trên địa bàn thị xã tiếp cận và hiểu rõ hơn về giun quế-nguồn nguyên liệu dồi dào, hữu ích cho một nền nông nghiệp xanh, sạch mà mỗi người dân đều có thể tự sản xuất trên quy mô hộ gia đình, từ đó tạo nguồn dinh dưỡng để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng một cách an toàn cho vật nuôi hay cây trồng, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, thị xã Ayun Pa cũng là thị trường đầy tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm sạch là thức ăn và phân bón từ giun quế. Ngoài ra dự án còn khai thác triệt để nhu cầu về phân bón từ địa bàn các huyện, thị xã lân cận, đặc biệt là các vùng phát triển nhiều loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu và các trang trại trồng rau xanh, cây ăn quả, cây kiểng, vườn ươm... Sau khi mô hình thành công sẽ chuyển giao kỹ thuật và vận động nhân rộng mô hình đến tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã. Mỗi hộ gia đình chăn nuôi sẽ dành một phần diện tích nhỏ để nuôi giun quế, tạo thành một mô hình chăn nuôi khép kín, sạch, an toàn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hy vọng rằng với cá tính mạnh mẽ, cộng với sự quyết tâm của một cô gái trẻ chưa bước qua tuổi 30 này, việc khởi nghiệp từ việc nuôi giun quế sẽ mang lại nhiều thành công.
Nguyễn Thành Trung