Cứu bé trai 8 tuổi bị khúc cây đâm thấu mũi, xoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ca tai nạn hy hữu khiến một bé trai (8 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị khúc cây đâm thấu mũi, xoang. Rất may, em đã được các bác sĩ  (BS) ở Cần Thơ cấp cứu kịp thời.
Khúc cây các bác sĩ lấy ra từ mũi, xoang của bệnh nhi/ Ảnh: Đình Tuyển
Khúc cây các bác sĩ lấy ra từ mũi, xoang của bệnh nhi/ Ảnh: Đình Tuyển
Chiều 11.3, BS chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các BS Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tai nạn hy hữu, bị khúc gỗ đâm thấu mũi, xoang.
Bệnh nhi là bé trai tên P.H.Đ (8 tuổi, ngụ xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), nhập viện trong tình trạng vết thương rãnh mũi má phải kích thước 3 cm, còn dị vật khúc gỗ kích thước 1,5x6 cm lộ đuôi cây gỗ gần lỗ mũi phải, sụp khối mũi,...
Hình ảnh cho thấy dị vật đâm sát và sàn sọ và xoang bướm cực kỳ nguy hiểm/ Ảnh: Đình Tuyển
Hình ảnh cho thấy dị vật đâm sát và sàn sọ và xoang bướm cực kỳ nguy hiểm/ Ảnh: Đình Tuyển
Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc chạy xe đạp qua cầu, bé Đ. vô ý vấp ngã bị thanh gỗ đâm xuyên vào mũi. Ngay lập tức gia đình đưa bé vào bệnh viện địa phương và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhi được xử trí kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chích ngừa uốn ván và được chỉ định chụp CT-Scanner (CT) sọ não. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng, nên bệnh nhi được Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để xử lý.
Kết quả CT sọ não cho thấy dị vật xoang mũi, đầu cây chạm thành dưới, trước xoang bướm không xuyên lên não. Chẩn đoán sau hội chẩn: vết thương hở của mũi, dị vật mũi xoang... Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật.
Ê kíp phẫu thuật do BS.CK2 Tiêu Phương Lâm, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng (phẫu thuật viên chính), BS.CK1 Nguyễn Đông Quân (Khoa Ngoại thần kinh), BS.CK2 Thái Đắc Vinh, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức, đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.
Ê kíp dùng kẹp Kelly lấy ra một đoạn gỗ mục dài 7 cm đường kính 2 cm, khâu vết thương ngoài da cánh mũi phải. Dùng nội soi kiểm tra hốc mũi 2 bên; đồng thời kiểm tra hốc mũi phải còn dị vật lấy ra một đoạn gỗ mục dài 5 cm, đường kính 1 cm.
Sau đó, kiểm tra làm sạch hốc mũi 2 bên. Ca phẫu thuật thành công sau 120 phút. Rất may dị vật từ tai nạn hy hữu chỉ gây chấn thương mặt trước xoang bướm chưa tới sàn não.
“Bệnh nhi rất may mắn khi dị vật gây tổn thương xoang sàng trước, vừa chạm thành trước xương bướm. Nếu thương tổn sâu thêm 5 mm vào vùng xoang bướm gây tổn thương động mạch cảnh trong có thể gây tử vong. Còn nếu ra phía trước một chút có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác hoặc động mạch mắt gây mù mắt, hay vùng tuyến yên hạ đồi gây rối loạn nội tiết. Ngoài ra, cũng có thể bị thương tổn não gây mất khứu giác và rối loạn tâm thần. Thực sự là bệnh nhân rất may mắn”, BS Lâm nói.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng, tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không chảy máu mũi, mắt nhìn rõ, vết thương ở vùng mũi má phải khô.
Theo Đinh Tuyến (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...