Cuối năm lại bùng nổ dự án "ma"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua dù rất nhiều lãnh đạo các công ty bất động sản bị bắt, bị khởi tố vì lừa đảo, rao bán dự án “ma” nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí các thủ đoạn lừa đảo còn tinh vi, manh động, liều lĩnh hơn.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, Công ty Bảo Long đã cho xây dựng hạ tầng “chui” trên khu đất ẢNH: ĐÌNH SƠN
Để tạo lòng tin cho khách hàng, Công ty Bảo Long đã cho xây dựng hạ tầng “chui” trên khu đất ẢNH: ĐÌNH SƠN
Những dự án tự "vẽ"
Mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 dự án “ma” tại TP.HCM, với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỉ đồng. Ông Khoa, một khách hàng ở đây, cho biết đã bỏ ra 2,9 tỉ đồng để mua nền đất tại dự án Central House (Q.9), nhưng chủ đầu tư không giao nền, giao sổ hồng như cam kết. Khi phát hiện điều bất thường, ông Khoa đã yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng, trả lại tiền nhưng không thực hiện. Biết mình bị lừa, ông Khoa đã tố cáo Hoàng Mạnh Cường ra công an tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Trần Minh Cường khuyến nghị: Khách hàng nên kiểm tra thông tin “chính chủ” về chủ đất/chủ đầu tư, đồng thời xem, đối chiếu bản chính các giấy tờ pháp lý (như bản chính sổ hồng, các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500, quyết định cho tách thửa…) chứ không hẳn nghe lời tư vấn “đường mật” từ các nhân viên bán hàng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, đối chiếu các thông tin có được từ chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra thông tin quy hoạch và đối chiếu pháp lý so với các thông tin mà chủ đầu tư cung cấp.
Có khoảng 80 người khác cũng đã bị lừa, với số tiền khoảng 100 tỉ đồng tại dự án này. “Chúng tôi được biết, cơ quan chức năng chưa hề cấp phép đầu tư dự án hoặc cấp phép xây dựng tại các khu đất do cá nhân ông Hoàng Mạnh Cường đứng tên”, ông Khoa nói.
58 khách hàng mua đất nền tại dự án “ma” của Công ty Bảo Long cũng đang đâm đơn khắp nơi tố cáo bị lừa đảo số tiền gần 120 tỉ đồng. Theo ông Trần Anh Trà, một khách hàng mua đất của công ty này, tháng 1.2018 Công ty Bảo Long do bà Trần Thị Hồng Gấm làm Chủ tịch HĐQT rầm rộ quảng cáo, tổ chức cho nhân viên môi giới chào bán
73 lô đất nền tại thửa đất số 16 tờ bản đồ số 6, địa chỉ 51/1 Nguyễn Đôn Tiết, P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM. Lô đất trên được giới thiệu do ông Trần Thế Bảo, chồng của bà Gấm, đứng tên và ông này ủy quyền cho Công ty Bảo Long bán và thu tiền. Cũng tại thời điểm này, Công ty Bảo Long tiến hành tập kết xe máy san ủi đất làm mặt bằng, xây dựng hạ tầng nhằm tạo lòng tin cho khách hàng để nhận đặt cọc và thu tiền dưới hình thức hợp đồng góp vốn, cam kết 6 tháng sẽ ra sổ riêng từng nền cho khách hàng. Tuy nhiên, đến tháng 1.2019, Công ty Bảo Long không cung cấp được hồ sơ pháp lý, không ra được sổ cho khách hàng nhưng vẫn thông báo thu tiền đợt tiếp theo của khách hàng. Thấy nghi ngờ, khách hàng tự tìm hiểu và liên hệ với các cơ quan chức năng thì được biết thửa đất trên không thuộc sở hữu của ông Trần Thế Bảo, ông này chỉ mới ký hợp đồng đặt cọc mua khu đất trên vào tháng 11.2017.
Không những thế, ngày 8.8.2019, UBND P.Cát Lái đã ra quyết định xử phạt ông Trần Thế Bảo về việc xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp. “Khi biết bị lừa, chúng tôi yêu cầu công ty trả lại tiền, nhưng công ty chỉ ký nhiều văn bản cam kết xin gia hạn bán dự án để lấy tiền trả khách hàng và cam kết nếu không bán được đất thì thời hạn đến hết 31.7.2020 sẽ cho khách hàng đồng sở hữu khu đất. Nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn tiếp tục trốn tránh trách nhiệm, không gặp khách hàng, không cho khách hàng đồng đứng tên khu đất cũng như trả lại tiền”, ông Trà cho hay.
Mới nhất, Công an TP.HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Minh Khâm, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú An Thịnh Land (trụ sở Q.Tân Bình, TP.HCM), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi “vẽ” nhiều dự án tại Long An để lừa gần 50 khách hàng từ năm 2017 - 2018, nhưng đến nay công ty này không giao nền đất như cam kết cũng không trả lại tiền.
Ngày càng liều lĩnh
Có một điểm chung là thủ đoạn lừa đảo bán đất của các công ty bất động sản ngày càng liều lĩnh. Như trường hợp Công ty Phát An Gia, khi bị bắt, tất cả các khu đất Hoàng Mạnh Cường “vẽ” dự án đã được sang tên toàn bộ cho những cá nhân khác đứng tên. Nghĩa là ông này đã chuẩn bị trước để tẩu tán tài sản. Tại Công ty Bảo Long cũng tương tự, dù chỉ mới đặt cọc khu đất, công ty này đã vẽ dự án để bán nền đất cho khách hàng. Khi thu được tiền, ông Trần Thế Bảo đã lập thủ tục xác nhận tài sản riêng của ông Trần Thế Bảo đối với thửa đất dự án đã phân lô bán khách hàng rồi đăng ký tạm ngừng hoạt động, đồng thời thực hiện thủ tục ly hôn với vợ là bà Trần Thị Hồng Gấm nhằm trốn tránh và tách rời trách nhiệm giữa ông Trần Thế Bảo với bà Trần Thị Hồng Gấm và Công ty Bảo Long.
Cũng với thủ đoạn tương tự, mới đây Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hồng Hạnh là giám đốc công ty về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vẽ hàng loạt dự án “ma” ở TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu để lừa đảo hàng trăm người. Tuy nhiên, người chủ thật sự của công ty này là bà Trần Thị Mỹ Hiền đã không bị bắt, bởi bà có giấy chứng nhận tâm thần.
Nhiều nạn nhân của Công ty Hoàng Kim Land cũng bất ngờ trước việc bà Hiền khi làm việc với công an đã trưng ra được giấy chứng nhận tâm thần bởi trong các lần tiếp xúc với họ, bà Hiền đại diện Công ty Hoàng Kim Land đứng ra làm việc với khách hàng, cam kết về việc giao nền đất, đền bù nếu dự án không thực hiện được. Bà cũng tự nhận mình là chủ thật sự của công ty này, hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng với giấy chứng nhận tâm thần có sẵn, bà Hiền đã thoát tội lừa đảo.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét nhiều người đã chuẩn bị “kịch bản” lừa đảo từ trước và sẵn sàng đi tù để chiếm đoạt được một số tiền lớn. Thế nên, khả năng thu hồi được số tiền đã đầu tư là rất thấp, có thể nói nguy cơ mất trắng là rất lớn. Do đó, người dân nên tự trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản như nhận diện các dự án “ma”. Các dự án lừa đảo thường đánh vào lòng tham của nhà đầu tư nên so với cùng vị trí, diện tích, giá mà các dự án này chào bán thường rẻ hơn nhiều hoặc cam kết thu mua/thuê lại với lãi suất cao ngất ngưởng...
Theo Đình Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.