Cú sốc Alibaba và bài học quản lý thị trường bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng trăm cảnh sát cơ động đã được huy động bao vây trụ sở Tập đoàn địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TPHCM để thực hiện lệnh khám xét và bắt giữ hai đối tượng có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang điều hành đơn vị này là Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh.
 
Đối tượng Nguyễn Thái Luyện.
Tai tiếng của Alibaba râm ran từ lâu, nhưng việc anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra, đã phơi bày nhiều bất cập về thị trường địa ốc hôm nay.
Cuộc tập kích trụ sở Tập đoàn Alibaba kéo dài từ chiều 18/9 đến rạng sáng 19/9 mới hoàn tất niêm phong và di chuyển vật chứng cùng đối tượng liên quan về cơ quan điều tra. Bước đầu, ban chuyên án xác định Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi) đã thành lập Tập đoàn Alibaba và các công ty thành viên để thu mua đất nông nghiệp với tổng diện tích 600 ha rồi vẽ ra hàng chục dự án ma ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi xúc tiến mua bán đất nền. Tất cả dự án của Tập đoàn Alibaba chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép nhưng vẫn được quảng cáo sai sự thật để thu hút nhà đầu tư. Tính đến ngày 30/6/2019, Tập đoàn Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, Tập đoàn Alibaba thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch. Toàn bộ diện tích đất trên có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Với đất trống, không có cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng thực tế và cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100%.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Alibaba cũng rao bán 9 dự án, mà chưa có dự án nào được cấp phép. Những khu đất mà Tập đoàn Alibaba tự vẽ dự án, tự phân lô phần lớn đất được quy hoạch là đất nông nghiệp, thậm chí là quy hoạch đất… nghĩa trang. Gay cấn hơn, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, Tập đoàn Alibaba còn thực hiện hành vi xây dựng trái phép, và chống đối lại lực lượng chức năng khi bị cưỡng chế.
Tại Bình Thuận, Tập đoàn Alibaba cũng giới thiệu 2 dự án với hiện trạng vẫn đang là đất rừng, đất trồng cây nông nghiệp.
Cách làm ăn táo tợn của Tập đoàn Alibaba có thể hình dung như thế nào? Đó là sự liều mạng cộng với sự bịp bợm. Chủ mưu đứng ra thiết kế các dự án ma là Nguyễn Thái Luyện. Từ Gia Lai xuống Sài Gòn theo học khoa Kinh Tế - Luật ở Trường ĐH Mở TPHCM, Nguyễn Thái Luyện vào đời bằng nghề cò đất. Sau khi nắm được một số mánh khóe trong lĩnh vực địa ốc, Nguyễn Thái Luyện thành lập tập đoàn địa ốc Alibaba ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ 100 triệu đồng.
Nguyễn Thái Luyện khoác lác bản thân có khả năng “tự cổ chí kim chưa ai làm được”, giỏi hơn cả Thành Cát Tư Hãn và Gia Cát Lượng. Cách chinh phục đám đông của Nguyễn Thái Luyện là thổi phồng thành tích. Sau 3 năm hoạt động, Nguyễn Thái Luyện huênh hoang rằng, Tập đoàn Alibaba đã phát triển thần tốc “từng bước đạt vị trí lớn nhất Đông Nam Á”, có vốn hóa là 5.600 tỷ đồng và tạo việc làm cho 2.500 nhân viên.
Nguyễn Thái Luyện nắm giữ 80% cổ phần của tập đoàn Alibaba. 20% cổ phần còn lại Nguyễn Thái Luyện chia đều cho vợ mình - Võ Thị Thanh Mai 10% và em trai Nguyễn Thái Lĩnh 10%. Tại trụ sở chính của Tập đoàn Alibaba, Nguyễn Thái Luyện trưng ra các khẩu hiệu “luôn giúp đỡ với mong muốn khách hàng thành công” và “giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản”. Để hướng dẫn nhân viên dụ dỗ khách hàng mua đất nền dự án, Nguyễn Thái Luyện xuất bản cuốn sách “Cẩm nang sale bất động sản”.
Mỗi tháng, Tập đoàn Alibaba đều tuyển dụng hàng ngàn nhân viên sale để rải khắp nơi lôi kéo nhà đầu tư. Dù bán dự án ma, nhưng Nguyễn Thái Luyện nghĩ ra cái “hợp đồng quyền chọn” hay còn gọi là “chứng khoán phái sinh” để móc túi khách hàng. Chỉ cần bỏ tiền mua đất nền của Alibaba, khách hàng có thể bán lại ngay cho… Alibaba để thu lãi hàng tháng. Còn khi nào có thể thu hồi vốn, hoặc khi nào có sổ đỏ thì… hãy đợi đấy.
Nguyễn Thái Luyện ràng buộc nhân viên bằng chiêu… bán đất nền cho nhân viên. Ai muốn làm việc lâu dài ở Alibaba đều phải mua đất nền trong dự án ma của Alibaba, thậm chí mua… 1 mét vuông cũng được bán với giá 3 triệu đồng. Trong các tài liệu đào tạo kỹ năng kinh doanh bất động sản, Nguyễn Thái Luyện còn hướng dẫn cho nhân viên cách moi tiền của người xung quanh để đầu tư: “Anh chị muốn có 1 tỷ đồng để mua đất đầu tư tại Cty Alibaba thì anh chị làm theo từng bước sau: Đầu tiên anh chị liệt kê danh sách những người thân như ông bà, cha mẹ, cô chú, cậu dì anh em ruột thịt, anh em chú bác, cô cậu và cả những bạn bè, người quen... cố gắng cho được 100 người.
Sau đó thường xuyên gọi điện thăm hỏi sức khoẻ, giới thiệu về Alibaba, về sản phẩm, về cơ hội đầu tư, về lợi nhuận 28% mỗi năm. Tiếp theo anh chị nêu lý do cần mua đất ở Alibaba để đầu tư, và chỉ cần mỗi người cho anh chị mượn 10 triệu đồng thì anh chị đã có được 1 tỷ đồng. Và với số tiền này anh chị đã có được 2-3 lô đất tại Alibaba.
Vì sao có được 1 tỷ đồng dễ dàng như thế? Bởi vì người thân hay người quen của anh chị, nếu nghe mượn tiền làm việc khác thì có thể không cho, nhưng khi nghe mượn tiền mua đất ai cũng chấp nhận. Vì mua đất 400 triệu đồng, nhưng mượn 10 triệu đồng thì chắc chắn ai cũng cho. Nên nhớ đừng mượn một lần 400 triệu đồng. Chỉ cần một năm thu lại gốc + lãi, anh chị có lời 280 triệu đồng. Cứ thế, anh chị liệt kê, gọi điện thăm hỏi và mượn tiền cho những lần tiếp theo...”.
Việc bắt giữ Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh đã làm rúng động hàng ngàn khách hàng, vì họ đã tin những lời đường mật để mua dự án “ma”. Nói cách khác, Nguyễn Thái Luyện và Tập đoàn Alibaba đã khai thác triệt để tâm lý hám lợi và tâm lý cầu may của khách hàng. Nhiều người mua đất nền của Alibaba mà không hề biết nguồn gốc lẫn tiến độ dự án, chỉ nhắm đến mục đích kiếm tiền nhanh. Với cái “hợp đồng quyền chọn”, khách hàng cho Alibaba thuê lại đất nền với giá 2%/ tháng, hoặc cho Alibaba mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng, hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng...
Chính điều này tạo cơ hội cho Alibaba dùng một nền đất ảo mà thu tiền thật của hàng chục khách hàng khác nhau. Dĩ nhiên, luật không cấm giao dịch được sang tay nhiều người, nhưng nền đất của dự án ma thì lại biến dây chuyền kia thành một trò huy động vốn trái phép. Alibaba lấy tiền người sau để trả lãi cho người trước, đến khi nào tất cả đều tường tận dự án ma thì… Nguyễn Thái Luyện đã ôm được khoản tiền khổng lồ một cách đắc chí.
Trước mắt, hậu quả của Tập đoàn Alibaba là bạt ngàn đơn tố cáo từ phía khách hàng. Nếu không bắt giữ Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, thì còn bao nhiêu khách hàng nữa sẽ bị mắc bẫy kinh doanh dự án ma.
Tuy nhiên, bài học mà Alibaba để lại, chính là phương pháp quản lý thị trường địa ốc. Nếu chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ và kiên quyết xử lý ngay mọi hành vi xâm phạm đất trồng rừng hoặc đất nông nghiệp, thì những kẻ tinh ranh như Nguyễn Thái Luyện không thể to gan vẽ ra dự án để lừa đảo. Khách hàng dù biết đất nền chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng họ vẫn mua, không những vì giá rẻ mà vì còn tin rằng có không ít công trình không phép cũng chỉ bị phạt hành chính và cho tồn tại.
Mặt khác, ở nhiều nơi vẫn có tình trạng bát nháo thu hồi đất sản xuất hoặc đất canh tác để giao cho doanh nghiệp làm dự án, nên khách hàng đặt hy vọng Alibaba cũng có thể nằm trong vùng phủ sóng của sự “ưu ái” nào đó. Và từ cú sốc Alibaba, cần đặt ra câu hỏi: vai trò của các tổ chức khác ở đâu, khi dự án ma được rao bán công khai suốt thời gian dài mà không có ai phản ứng tích cực gì?
Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 39)

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.